Đồng Nai tập trung cho quy hoạch, phát triển các khu cảng biển lớn

Nha Mẫn Thứ sáu, ngày 13/05/2022 11:26 AM (GMT+7)
Giai đoạn này Đồng Nai đang tập trung vào nâng cấp, mở rộng và phát triển các khu cảng biển lớn để có thể đón được những tàu vận tải siêu trường, siêu trọng trong tương lai.
Bình luận 0

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện đã hình thành và phát triển được 14 cảng biển trên các tuyến sông Đồng Nai, Nhà Bè - Lòng Tàu và Thị Vải. 

Đồng Nai tập trung cho quy hoạch, phát triển các khu cảng biển lớn - Ảnh 1.

Đồng Nai có nhiều cảng lớn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Trong đó sông Nhà Bè - Lòng Tàu có số lượng cảng biển lớn nhất với 7 cảng (cảng chuyên dùng Phú Đông, cảng xăng dầu tổng kho 186, cảng xăng dầu Phước Khánh, cảng tổng hợp Long Thuận, cảng chuyên dùng xi măng Công Thanh, cảng chuyên dùng xi măng Lafarge, cảng xăng dầu Vodak), sông Thị Vải hiện có 5 cảng (cảng Gò Dầu A, cảng Gò Dầu B, cảng Vedan, cảng Superphotphat Long Thành, cảng gas PVC Phước Thái) và sông Đồng Nai có 2 cảng (cảng Đồng Nai và cảng SCT-GAS).

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Đồng Nai sẽ có 3 khu bến cảng biển được quy hoạch phát triển trong giai đoạn tới gồm: Khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến cảng Long Bình Tân. Hiện nay địa phương đang phối hợp cùng Bộ GTVT để đưa ra những quy hoạch phù hợp nhằm phát triển các khu cảng biển lớn tại địa phương.

Về vấn đề này nhân chuyến làm việc tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, theo Luật Quy hoạch, thì quy hoạch tổng thể cảng biển quốc gia là 1 trong 4 quy hoạch thuộc ngành giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Đồng Nai tập trung cho quy hoạch, phát triển các khu cảng biển lớn - Ảnh 2.

Nhiều cụm cảng quan trọng tại Đồng Nai có tiềm năng phát triển kinh tế. Ảnh: Tuệ Mẫn

Khi có quy hoạch tổng thể thì sẽ tiếp tục thực hiện các quy hoạch khác do đó hiện nay Bộ GTVT đã giao Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng các quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, trong đó có quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4 bao gồm cảng biển Đồng Nai.

Ngoài ra còn quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh Đồng Nai và quy hoạch cảng cạn quốc gia trong đó có hệ thống cảng cạn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cũng theo ông Sang, các quy hoạch này sẽ hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022.

Đồng Nai tập trung cho quy hoạch, phát triển các khu cảng biển lớn - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng thị sát trên sông về hệ thống cảng biển ở Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

"Theo quy hoạch, khu cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4, đây cũng là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam và cũng là nhóm cảng biển quan trọng nhất, chiếm đến 43% tổng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển cả nước. Để phát triển hệ thống cảng biển thì cần có quy hoạch tổng thể để phát huy được toàn bộ tiềm năng của các cảng biển", ông Sang nhấn mạnh.

Phía đơn vị tư vấn phát triển cảng biển lại cho rằng Đồng Nai cần triển khai đầu tư tuyến đường liên cảng Nhơn Trạch, Phước An đồng bộ với tiến trình xây dựng cảng. Mục đích để đưa các khu bến cảng lớn tại Đồng Nai phát triển xứng với tiềm năng vốn có để đưa kinh tế địa phương và các vùng phụ cận ngày càng đi lên.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 3 khu bến cảng được quy hoạch, việc phát triển khu bến Nhơn Trạch hiện nay còn phụ thuộc vào hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái. Do đó, đơn vị tư vấn cũng cần lưu ý để rà soát khi lập quy hoạch. Đồng thời, trong quy hoạch cũng cần cập nhật thêm tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho rằng, với hệ thống cảng biển, cảng cạn hiện có, Đồng Nai đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Vì vậy Đồng Nai cần tăng tốc, nỗ lực để đưa tàu, hàng hóa về các cảng biển trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem