Dow Jones mất 2.000 điểm, chứng khoán Mỹ tạm ngừng giao dịch trong phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2008

10/03/2020 06:49 GMT+7
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones vừa giảm hơn 2.000 điểm trong một phiên giao dịch tồi tệ hôm 9/3 sau khi giá dầu giảm sâu và lợi tức kho bạc Mỹ thì chạm đáy kỷ lục.
Dow Jones mất 2.000 điểm, chứng khoán Mỹ tạm ngừng giao dịch trong phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2008 - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ vừa có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 2.013,7 điểm tương đương 7,79%, kết thúc ngày 23.851,02 điểm, ngày tồi tệ nhất của Dow Jones kể từ 15/10/2008, trong thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu.

S & P 500 đã giảm 7,6% xuống còn 2.746,56 điểm khi cổ phiếu lĩnh vực tài chính và năng lượng lao dốc, hàng loạt cổ phiếu như Exxon Mobil, Hess và Marathon Oil giảm hơn 20%. Đây cũng là ngày tồi tệ nhất của S&P 500 kể từ 1/12/2008, thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nasdaq Composite giảm 7,29% để kết thúc phiên giao dịch đầy mất mát ở mức 7.950,68 điểm.

Trong đà bán tháo khủng khiếp trên sàn chứng khoán, công cụ ngắt mạch thị trường buộc phải kích hoạt khiến các giao dịch bị tạm ngừng trong 15 phút. Nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào các tài sản an toàn cùng lo ngại dịch virus corona phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 0,5% (có thời điểm giao dịch ở 0,318%), và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn giao dịch dưới 1%.

Vàng, một tài sản an toàn khác, đã vượt mốc 1.700 USD/oz, chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2012.

Cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng giảm mạnh khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống thấp kỷ lục và lo ngại giá dầu thấp có thể gây ra vỡ nợ với nhiều công ty năng lượng. Cổ phiếu JPMorgan, Citigroup và Bank of America đều giảm hơn 13%.

Phần lớn sự hoảng loạn bắt đầu từ nguy cơ chiến tranh giá dầu sau khi Arab Saudi quyết định giảm giá bán dầu thô chính thức từ tháng 4 trong một bước ngoặt bất ngờ đi ngược lại nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu trước đây của OPEC. Động thái đến sau khi Nga làm đổ vỡ các cuộc đàm phán cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và các đồng minh, khiến nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu có thể rớt xuống 20 USD/ thùng trong năm nay. Phía Nga cũng báo hiệu một sự tăng sản lượng dầu khi Bộ trưởng Năng lượng của Nga trả lời giới truyền thông rằng kể từ đầu tháng 4 tới, các quốc gia có thể sản xuất mà không quan tâm tới bất kỳ hạn ngạch hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng nào. Trong bối cảnh nhu cầu dầu thế giới chững lại vì dịch virus corona, việc tăng sản lượng dầu chắc chắn sẽ thổi bùng cuộc chiến giá cả giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ. 

Giá dầu Brent giảm 24% xuống 34,44 USD / thùng sau mức giảm mạnh 30% trước đó. Giá dầu WTI tương lai giảm 24% xuống 31,13 USD / thùng.

Tổng thống Trump đổ lỗi cho cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga cũng như sự hoảng loạn từ truyền thông dẫn đến một ngày tồi tệ trên thị trường chứng khoán. Ông tweet: “Việc Arab Saudi và Nga tranh cãi về giá dầu cũng như thị phần thị trường dầu cùng với những tin tức giả là lý do khiến thị trường sụt giảm”.

Thị trường đang trông đợi FED tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần sau để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch virus corona để lại hệ quả nặng nề.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thế giới báo cáo hơn 111.000 ca nhiễm virus corona và hơn 3.800 ca tử vong.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục