Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Cơ hội ngàn năm cho doanh nghiệp Việt, nhưng cũng là thách thức thế kỷ
Thiếu doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đấu thầu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Chia sẻ tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới” do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một dự án chưa từng có trong lịch sử xây dựng Việt Nam, trở thành một bước ngoặt không chỉ với ngành đường sắt mà còn là cơ hội lớn cho toàn bộ lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
“Xét trên cấu phần kỹ thuật, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được chia thành hai nhóm gồm thiết bị kỹ thuật, tín hiệu, điều hành vận hành. Thứ hai là nền đường, cầu hầm, kết cấu bê tông – phần mà các nhà thầu Việt đã có kinh nghiệm thực hiện ở nhiều dự án trong nước”, ông Hiệp phân tích.
Với tổng mức đầu tư vượt 67 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang khởi đầu không chỉ như một chương trình hạ tầng quốc gia, mà còn như một bài kiểm tra chiến lược về khả năng tham gia sâu rộng của khu vực kinh tế tư nhân trong các công trình công lớn, theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-TW.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VACC, điểm mấu chốt là tất cả những gì chúng ta đã làm đều mới dừng ở vận tốc 100 km/h trở lại. Với hệ thống chạy 300 km/h, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác – từ bê tông, kết cấu chịu lực, đến tần số rung động và cộng hưởng trong vận hành.

Ông Hiệp lấy ví dụ, thanh ray trong tiêu chuẩn Trung Quốc hiện dài 70–120m, nặng khoảng 6 tấn. Những cấu kiện như vậy đòi hỏi thiết bị cẩu đặc chủng, kỹ thuật lắp đặt chính xác cao và khả năng thi công theo chuẩn công nghiệp nặng, vốn chưa phổ biến trong môi trường nhà thầu Việt.
Thêm vào đó, khác với các tuyến đường sắt hiện hữu, đường sắt tốc độ cao không cho phép mối nối bằng bu lông hay vít mà tất cả phải được hàn liền và mài nhẵn để đảm bảo độ êm, giảm chấn. Đây là công nghệ mới đòi hỏi chuyển giao và tiếp thu trong thời gian rất ngắn.
20 năm trở lại đây, trình độ, năng lực của nhà thầu xây dựng đã có những bước tiến đáng kể, đã năng động và hiệu quả hơn. Tuy vậy, ông Hiệp cho rằng cần nhìn thẳng thực tế rằng năng lực tài chính và quy mô tổ chức của nhiều nhà thầu Việt vẫn còn nhỏ bé, trong khi tiêu chuẩn đấu thầu của dự án đường sắt cao tốc là cực kỳ cao.
Ước tính chỉ khoảng 20 doanh nghiệp có thể đáp ứng được gần đủ các điều kiện kỹ thuật, công nghệ và tài chính.
“Chúng ta chỉ còn khoảng 18 tháng để chọn công nghệ, học công nghệ, chuẩn hóa tiêu chuẩn, và tổ chức lại năng lực nội tại. Thời gian không chờ chúng ta. Đường sắt tốc độ cao là cơ hội ngàn năm có một – nhưng nếu không sẵn sàng, nó cũng có thể là thách thức thế kỷ. Và ngành xây dựng Việt Nam phải là một phần trong lời giải”, Chủ tịch VACC nói.
Nên tập trung vào thế mạnh thi công hạ tầng tại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chính vì áp lực lớn về thời gian nâng cấp năng lực, ông Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định không thể chờ đợi doanh nghiệp nhỏ tự trưởng thành. Do đó, giải pháp là liên kết – tập hợp từ nhà thầu lớn đến nhỏ để tạo thành hệ sinh thái xây dựng đủ sức đáp ứng toàn bộ chuỗi cung ứng.
"Chính vì vậy, vào buổi gặp mặt sắp tới với Bộ Xây dựng, chúng tôi đề xuất cần liên kết nhà thầu từ nhà thầu lớn đến nhỏ để tập hợp toàn bộ sức mạnh của ngành nghề này", ông Hiệp chia sẻ.
Còn theo ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng), các nhà thầu của chúng ta cho dù có bắt tay hay không, hình thành tổ hợp như thế nào, điều quan trọng nhất là tổ hợp đó có năng lực thực hiện như thế nào. Lúc này chúng ta cơ bản đã nhận điện được năng lực nhà thầu trong nước.

Ông Tuân cho rằng hiện nay các nhà thầu trong nước chưa tiếp cận được công nghệ hiện đại của đường sắt tốc độ cao. Do đó, dù có liên kết với nhau để hình thành tổ hợp, thì năng lực đảm nhận hạng mục công việc khó, đòi hỏi tính chất kỹ thuật cao, tích hợp nhiều chuyên ngành... cũng là vấn đề không đơn giản.
Cùng chung nhận định rằng thế mạnh của nhà thầu Việt hiện chủ yếu ở mảng hạ tầng, ông Tuân cho rằng doanh nghiệp trong nước nên dựa trên cơ sở lợi thế, thế mạnh qua các dự án đã triển khai. “Nên chăng chúng ta liên kết với nhau để thực hiện công việc liên quan đến xây dựng hạ tầng mà chúng ta có thế mạnh”, ông Tuân nói.
Với mục
tiêu phù hợp hơn, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, tại những hạng mục yêu cầu kỹ thuật cao về mặt công nghệ cao, chúng ta nên phối
hợp với doanh nghiệp nước ngoài để vừa tiếp cận chuyển giao công nghệ theo cơ
chế chính sách đặc thù, và vừa có lộ trình trau dồi kinh nghiệm để triển khai
những dự án trong tương lai. Đó là phương án mà các nhà thầu có thể liên danh,
liên kết hình thành các tổ hợp.