Dự báo bất ngờ về thị trường thịt heo 2025: Cơ hội bứt phá của Việt Nam?
Đó là nhận định được các nhà phân tích nêu ra trong báo cáo chiến lược cho nhà đầu tư chứng khoán năm 2025 của Công ty Chứng khoán TPBank (TPS).
Sản lượng tiêu thụ thịt heo toàn cầu dự báo giảm trong năm 2025
Theo các nhà phân tích, sản lượng sản xuất thịt heo thế giới năm 2025 dự kiến đạt khoảng 115,1 triệu tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do lượng cung giảm ở Trung Quốc và EU vượt quá mức tăng cung ở Hoa Kỳ, Việt Nam và Brazil.
Ở nhóm quốc gia được dự báo tăng sản lượng trong năm 2025, Brazil ước tính sẽ sản xuất khoảng 4,6 triệu tấn thịt heo, tăng 1,2% so với năm trước nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh và chi phí đầu vào thấp hơn. Hoa Kỳ dự kiến sản xuất khoảng 12,9 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước do sự gia tăng về số lượng heo giết mổ và số lượng heo trên mỗi lứa.
Ngược lại, nhóm quốc gia được dự báo giảm sản lượng trong năm 2025 gồm Trung Quốc và EU. Trung Quốc dự kiến sản xuất khoảng 55,5 triệu tấn, giảm 2,2% so với năm trước do giảm số lượng heo nái trong năm 2024 làm giảm số lượng heo giết mổ trong năm 2025.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của bất ổn kinh tế khiến người tiêu dùng Trung Quốc chuyển hướng tiêu thụ nhiều thịt gia cầm hơn thay cho thịt heo, làm giảm động lực cung thịt heo. EU dự kiến sản xuất khoảng 20,9 triệu tấn, giảm 1,6% so với năm trước do giá thịt heo giảm.
Sản lượng tiêu thụ thịt heo toàn cầu năm 2025 dự kiến đạt 113,782 triệu tấn, giảm 0,7% so với năm trước. Nguyên nhân là do tiêu thụ thịt heo giảm mạnh ở Trung Quốc và EU. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thịt heo năm 2025 ở Trung Quốc dự kiến đạt 56,8 triệu tấn và EU dự kiến đạt 18,1 triệu tấn, giảm lần lượt 2,0% và 1,6% so với năm trước trong bối cảnh sự không chắc chắn về nền kinh tế và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi sang các sản phẩm gia cầm.
Hoạt động xuất khẩu thịt heo toàn cầu năm 2025 dự kiến đạt 10,4 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào sự gia tăng xuất khẩu từ Hoa Kỳ và Canada, mặc dù xuất khẩu từ các quốc gia Châu Âu giảm. Cụ thể, xuất khẩu của Canada ước tính đạt 1,5 triệu tấn, tăng 0,7%. Trong khi đó, xuất khẩu thịt heo của EU ước tính đạt 2,95 triệu tấn, giảm 1,7% do nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm và các hạn chế thương mại liên quan đến ASF vẫn còn hiệu lực.
Về nhập khẩu thịt heo toàn cầu năm 2025, dự kiến đạt 9,0 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc. Cụ thể, nhập khẩu của Trung Quốc ước tính đạt 1,4 triệu tấn, tăng 7,7%. Nhập khẩu của Hoa Kỳ ước tính đạt 547 nghìn tấn, tăng 1,5%, và nhập khẩu của Hàn Quốc ước tính đạt 795 nghìn tấn, tăng 1,3%.
Ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ cải cách từ năm 2025 đến 2026
Trong Quý III năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 5,3 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, tương ứng 24,85 triệu USD. Con số này giảm 14,4% so với tháng trước về lượng và giảm 4,2% về giá trị, đồng thời giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước về lượng và giảm 12,45% về giá trị.
Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực Châu Á.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hồng Kông ước tính đạt 2,46 nghìn tấn, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của Việt Nam trong Quý III năm 2024, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu thịt heo của Việt Nam có xu hướng tăng kể từ tháng 5 năm 2024. Việt Nam nhập khẩu thịt heo chủ yếu từ các quốc gia Brazil, Nga, Canada, Đức và Hà Lan.
Trong năm 2025, theo các chuyên gia phân tích tại TPS, nguồn cung của Việt Nam được dự báo là khá ổn định, nên khả năng sẽ không xảy ra hiện tượng tăng nhập khẩu đột biến.
"Mô hình chăn nuôi trang trại đang định hình lại ngành chăn nuôi Việt Nam, giúp ngành trở nên ngày càng bền vững bằng cách giảm bớt tác động của dịch bệnh và biến động giá thức ăn chăn nuôi. Với lợi thế về quy mô, cơ sở hạ tầng và vốn, các doanh nghiệp chăn nuôi dễ dàng áp dụng công nghệ cao vào quá trình chăn nuôi, giúp giảm giá thành sản xuất, đặc biệt là tiêu tốn ít thức ăn trên mỗi kg tăng trọng", báo cáo đề cập.
Sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2025 dự kiến tăng 3,0% so với năm trước nhờ dự kiến mở rộng đàn heo sau khi khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi và dịch tả heo châu Phi được kiểm soát tốt hơn.
Tiêu thụ thịt heo của Việt Nam dự báo khoảng 3,9 triệu tấn vào năm 2025, tăng 3,3% so với năm trước và đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1% mỗi năm.
Cũng theo các nhà phân tích, cùng với sự thay đổi về môi trường kinh tế trong nước và toàn cầu, ngành chăn nuôi heo đang và sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Dự kiến, ngành sẽ trải qua một cuộc cải tổ sâu sắc trong giai đoạn 2025 – 2026.
Theo đó, những thay đổi về cung cầu thị trường sẽ thúc đẩy cải tổ, khi người tiêu dùng ngày càng chú ý hơn đến vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ngày càng tăng và tình hình dịch bệnh phức tạp sẽ làm giảm hình thức chăn nuôi nông hộ. Trong khi đó, thị phần của các doanh nghiệp chăn nuôi khép kín quy mô lớn ngày càng tăng nhờ lợi thế về chi phí sản xuất và tỷ lệ hao hụt thấp.
Đổi mới công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi này. Công nghệ sẽ được áp dụng nhiều hơn vào lĩnh vực chăn nuôi để nâng cao hiệu quả, đặc biệt là hình thức chăn nuôi trang trại.
Các công nghệ này sẽ được sử dụng để theo dõi sức khỏe cho heo, tối ưu hóa công thức thức ăn và giảm bớt tác động tới môi trường. Môi trường chính sách cũng sẽ thúc đẩy hội nhập ngành.
Luật chăn nuôi năm 2018, có hiệu lực từ năm 2020, nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư. Các địa phương có 5 năm chuẩn bị, hạn chót đến ngày 1/1/2025, buộc phải di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp. Quy định này sẽ khiến một số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ phải ngừng hoạt động nếu không thể di dời, làm nguồn cung bị thu hẹp, nhưng đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn mở rộng thị phần.