Dự báo lợi nhuận Đường Quảng Ngãi (QNS) sẽ đạt 1.400 tỷ đồng, ngành đường tiếp tục ngọt?

23/02/2023 10:05 GMT+7
SSI Research dự báo lợi nhuận của QNS đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) trong năm 2023.

Năm 2023, QNS dự kiến đầu tư 164 tỷ đồng vào mảng sữa đậu nành

SSi Research vừa có báo cáo phân tích về Công ty CP Mía đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS). Lũy kế cả năm 2022, QNS đạt doanh thu thuần và LNST lần lượt là 8,3 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 1.300 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ), đạt 103% và 101% dự báo của SSi cho năm 2022.

Trong quý IV/2022, QNS đạt doanh thu thuần và LNST lần lượt là 1.900 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ, giảm 15% so với quý trước) và 427 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ, tăng 34% so với quý trước). 

Mảng đường là động lực tăng trưởng doanh thu chính, với doanh thu thuần đạt 523 tỷ đồng trong quý 4 (tăng 51% so với cùng kỳ, giảm 14% so với quý trước) do QNS được hưởng lợi từ sản lượng mía cao hơn trong vụ mùa 2022/2023.

Dự báo lợi nhuận Đường Quảng Ngãi (QNS) sẽ đạt 1.400 tỷ đồng, ngành đường có tiếp tục ngọt? - Ảnh 1.

Mảng điện sinh khối tiếp tục ghi nhận lãi nhẹ, trong khi mảng sữa đậu nành đạt 915 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 8% so với cùng kỳ, giảm 27% so với quý trước).

Mức tiêu thụ sữa đậu nành giảm 12% so với cùng kỳ trong QIII2022 và 4% so với cùng kỳ trong quý IV/2022 giảm cho thấy sức tiêu thụ ở thị trường thực phẩm dinh dưỡng vẫn yếu. Tỷ suất lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành đạt 36,7% trong quý IV/2022 so với 37,4% trong quý IV/2021 do chi phí đầu vào tăng (đậu nành, đường, bao bì…). Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp chung của QNS giảm từ 32,1% trong quý IV/2021 xuống 30,2% trong quý IV/2022.

Ước tính năm 2023: Đối với mảng sữa đậu nành, SSI Research ước tính sản lượng trong năm 2023 sẽ không thay đổi so với năm 2022 do mức tiêu thụ của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Đối với mảng đường, SSI Research duy trì dự báo sản lượng đường RS tăng 23% so với cùng kỳ. 

Theo đó, SSI Research dự báo lợi nhuận của QNS đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) trong năm 2023. 

SSI Research nâng giá mục tiêu đối với cổ phiếu QNS là 43.000 đồng/cổ phiếu (từ mức 40.400 đồng/cổ phiếu). Với tiềm năng tăng giá là 11% (tổng mức sinh lời giảm ROI là 17%), SSI Research duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với QNS.

Mảng sữa đậu nành: Doanh thu thuần và LNTT của mảng sữa đậu nành lần lượt đạt 4.300 tỷ đồng (tăng 5,5% so với cùng kỳ) và 1.500 tỷ đồng (tăng 4,4% so với cùng kỳ) trong năm 2022. Sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành đạt 265 triệu lít (giảm 2% so với cùng kỳ). Giá bán trung bình tăng (tăng 8% so với cùng kỳ) đã bù đắp phần nào chi phí đầu vào tăng (đậu nành, đường, bao bì...). Tỷ suất lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành đạt 40,7% trong năm 2022 so với 40,3% trong năm 2021. Biên chi phí bán hàng tăng từ 9,5% trong năm 2021 lên 10,5% trong năm 2022 chủ yếu do tăng chi phí quảng cáo (tăng 79% so với cùng kỳ).

Mảng đường: QNS đạt doanh thu thuần đạt 2,0 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) và LNTT đạt 325 tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ) trong năm 2022. Sản lượng tiêu thụ đường RS đạt 130.000 tấn (tăng 18% so với cùng kỳ) và giá bán trung bình tăng 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng đường giảm từ 23,5% trong năm 2021 xuống 19% trong năm 2022 do: (i) tỷ lệ đường RE trong tổng lượng đường tiêu thụ tăng lên; và (ii) giá mía nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn mức tăng giá bán đường bình quân. Mảng điện sinh khối tiếp tục có lãi nhẹ.

Cổ tức: Ban lãnh đạo dự kiến kế hoạch phân phối lợi nhuận cho năm 2022 sẽ duy trì ở mức 30%/mệnh giá, tương ứng với tỷ suất cổ tức là 7,9%. Trước đó, QNS đã tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 5%/mệnh giá vào tháng 8/2022 và 10%/mệnh giá vào tháng 1/2023.

Chi phí đầu tư: Năm 2023, QNS dự kiến đầu tư 164 tỷ đồng vào mảng sữa đậu nành (sản phẩm mới); 300 tỷ đồng cho mảng đường (mở rộng kho bãi) và 300 tỷ đồng cho các mảng khác.

Triển vọng ngành đường

Giá đường thế giới đã vượt mức cao nhất 6 năm do sản lượng đường của Ấn Độ dự báo suy giảm. Bang Maharashtra của Ấn Độ dự kiến sẽ sản xuất 12,8 triệu tấn (giảm 6,6% so với cùng kỳ), thấp hơn 1 triệu tấn so với dự báo trước đó. Thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến sản lượng mía khiến các nhà máy tại Ấn Độ phải sẽ dừng sớm hơn 45 - 60 ngày so với hàng năm, dự kiến dừng hoạt động vào tháng 4 (so với tháng 6 hàng năm). 

Theo S&P Commodity, việc nguồn cung đường giảm xuống có thể được bù đắp bởi: (i) Mùa vụ của Brazil đến sớm hơn 15 ngày so với giữa tháng 3 do thời tiết thuận lợi; và (ii) Brazil tăng tỷ lệ sản xuất đường/ethanol nếu giá đường cao và giá nhiên liệu giảm. Ngoài ra, tại tháng 12/2022, S&P Commodity dự báo nguồn cung đường thế giới dư 3,7 triệu tấn cho niên vụ 2022/2023, so với mức thiếu hụt 1,2 triệu tấn trong niên vụ trước.

Theo VSSA, sản lượng đường trong nước niên vụ 2022/2023 dự kiến đạt 871.000 tấn (tăng 16,6% so với cùng kỳ).

Theo USDA, sản lượng tiêu thụ đường nội địa của Việt Nam có thể sẽ duy trì trong khoảng 2,3 - 2,4 triệu tấn/năm.

Trong năm 2023, SSI Research cho rằng thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với đường Thái Lan sẽ tác động rõ ràng hơn so với năm 2022, do sản lượng nhập khẩu giá rẻ ít dần. Tuy nhiên, nguy cơ đường nhập lậu vẫn còn, gây áp lực lên giá đường trong nước. Ngoài ra, SSI Research kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng sản lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước.

Điều này làm gia tăng lượng đường giá rẻ ở thị trường nội địa, và có lợi cho các nhà máy chế biến đường thô. Trong tháng 12/2022, Bộ Công Thương đã nâng hạn ngạch nhập khẩu đường từ 108.000 tấn cho năm tài chính 2020/2021 lên 200.000 tấn cho năm tài chính 2021/2022. Ở thời điểm hiện tại, SSI Research giữ nguyên dự báo giá đường tinh luyện giảm khoảng 5% giảm 10% so với mức đỉnh năm 2022 xuống khoảng 18.000 đồng/kg giảm 19.000 đồng/kg trong năm 2023.


An Vũ
Cùng chuyên mục