Dư địa tăng giá gạo vẫn lớn, xuất khẩu gạo tiếp tục lập kỷ lục

17/06/2023 11:32 GMT+7
Nguồn gạo Đông Xuân cạn, lúa Hè Thu sớm thu hoạch ít có thể đẩy giá lúa gạo lên mức cao mới. 5 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu 3,62 triệu tấn gạo, tương đương 1,92 tỷ USD, tăng 30,7% về khối lượng, tăng tới 41,6% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2022.

Giá lúa gạo tiếp tục neo cao

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2023 cả nước xuất khẩu 724.609 tấn gạo, tương đương 390,58 triệu USD, giá trung bình 539 USD/tấn, giảm 30,6% về lượng và giảm 28,5% về kim ngạch nhưng tăng nhẹ 3% về giá so với tháng 4/2023; so với tháng 5/2022 thì tăng 2% về lượng, tăng 12,5% kim ngạch và tăng 10,3% về giá.

Trong tháng 5/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines giảm mạnh 37,8% về lượng và giảm 36,7% về kim ngạch nhưng tăng 1,8% về giá so với tháng 4/2023, đạt 245.927 tấn, tương đương 125,29 triệu USD, giá 509,5 USD/tấn. So với cùng kỳ, giảm 30,7% về lượng, giảm 25,3% kim ngạch, nhưng tăng 7,9% về giá.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 5/2023 cũng giảm 24,5% về lượng và giảm 23% kim ngạch so với tháng 4/2023, đạt 125.929 tấn, tương đương 71,95 triệu USD. Tuy nhiên, tăng so với tháng 5/2022 (tăng 37,4% về lượng, tăng 50% kim ngạch).

Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 3,62 triệu tấn, tương đương gần 1,92 tỷ USD, tăng 30,7% về khối lượng, tăng 41,6% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2022, giá trung bình đạt 529,4 USD/tấn, tăng 8,3%.

Nguồn ít, dư địa tăng giá gạo vẫn lớn, xuất khẩu gạo tiếp tục lập kỷ lục - Ảnh 1.

Nguồn gạo Đông Xuân cạn, lúa Hè Thu sớm thu hoạch ít có thể đẩy giá lúa gạo lên mức cao mới.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 42,3% trong tổng lượng và chiếm 40,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, giá trung bình 504 USD/tấn, tăng 8,6% so với 5 tháng đầu năm 2022.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 17,5% trong tổng lượng và chiếm 19% trong tổng kim ngạch, đạt 632.469 tấn, tương đương 364,17 triệu USD, giá trung bình 575,8 USD/tấn, tăng 62,8% về lượng và tăng 79,1% kim ngạch; giá tăng 10% so với 5 tháng đầu năm 2022.

Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 369.032 tấn, tương đương 181,36 triệu USD, giá 491,4 USD/tấn, tăng mạnh 1.498% về lượng và tăng 1.519% kim ngạch và tăng nhẹ 1,3% về giá so với 5 tháng đầu năm 2022, chiếm 10,2% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 2,78 triệu tấn, tương đương 1,44 tỷ USD, tăng 46,6% về lượng, tăng 58,7% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 252.419 tấn, tương đương 129,52 triệu USD, tăng 17,6% về lượng, tăng 22,5% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 2,14 triệu tấn, tương đương 1,07 tỷ USD, tăng 43,3% về lượng, tăng 54,2% kim ngạch.

Giá lúa gạo hôm nay 17/6 tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục neo cao. Hiện nay nguồn gạo Đông Xuân cạn, lúa Hè Thu sớm thu hoạch ít khiến nguồn cung giảm mạnh.

Tại kho An Giang, giá lúa OM 18 được thương lái thu mua với giá 6.800 đồng/kg; Lúa OM 5451 giá 6.300 - 6.500/kg. Giá lúa IR 50404 trong khoảng 6.200 - 6.400 đồng/kg. Lúa Nàng Hoa 9 được thương lái thu mua với giá trong khoảng 6.600 - 6.800 đồng/kg. Giá lúa Đài thơm 8 trong khoảng 6.800 - 7.000 đồng/kg. Giá lúa Nhật trong khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg. Lúa Nàng Nhen (khô) có giá là 13.000 đồng/kg; nếp AG (tươi) có giá 6.200 đồng/kg

Với mặt hàng nếp khô, nếp AG (khô) có giá trong khoảng 7.200 – 7.600 đồng/kg, Nếp Long An (khô) có giá trong khoảng 7.900 - 8.100 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu duy trì ổn định, trong khi gạo thành phẩm điều chỉnh tăng. Theo đó, giá gạo nguyên liệu dao động quanh mốc 9.700 – 9.770 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 11.000 – 11.100 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm, cám khô không có biến động. Theo đó, giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.400 – 9.500 đồng/kg; cám khô 7.400 – 7.700 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo duy trì ổn định, gạo thường còn 11.500 - 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; Nếp ruột 16.000 - 18.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.600 - 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 - 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 498 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 25% tấm ở mức 478 USD/tấn; gạo Jasmine 578 USD/tấn.

Nguồn ít, dư địa tăng giá gạo vẫn lớn, xuất khẩu gạo tiếp tục lập kỷ lục - Ảnh 2.

5 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu 3,62 triệu tấn gạo, tương đương 1,92 tỷ USD, tăng 30,7% về khối lượng, tăng tới 41,6% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2022.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo có khả năng tiếp tục tăng trong tháng 7 và tháng 8 song mức tăng còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường. Hiện giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với các nước xuất khẩu gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.

Được biết, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KRC) của Thái Lan dự báo sản lượng gạo chính vụ của Thái Lan năm nay có thể giảm tới 6% so với năm ngoái, xuống còn 25,1 - 25,6 triệu tấn do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới.

KRC dự đoán rằng tổng sản lượng gạo Thái năm nay sẽ nằm trong khoảng 32,7 - 33,2 triệu tấn, khi kết hợp với khoảng 7,6 triệu tấn từ vụ thứ hai, đủ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy vậy, sản lượng gạo dự kiến có thể thấp hơn nhiều nếu hạn hán kéo dài và gây thiệt hại nhiều hơn cho mùa màng.

Nguồn ít, dư địa tăng giá gạo vẫn lớn, xuất khẩu gạo tiếp tục lập kỷ lục - Ảnh 3.

USDA dự báo sản lượng - tiêu thụ - tồn trữ gạo thế giới. (Gạo quy xay xát; ĐVT: nghìn tấn; năm marketing tùy thuộc mỗi thị trường)


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục