Nguồn cung giảm, giá lúa gạo neo rất cao

04/06/2023 14:21 GMT+7
Giá lúa gạo tuần này liên tục neo cao do nguồn cung suy giảm. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương hơn 2 tỷ USD, tăng 41% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022; đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị.

Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương hơn 2 tỷ USD, tăng 41% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022; đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị.

Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay, đạt bình quân 517 USD/tấn, cao nhất trong 10 năm qua. 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến trung tuần tháng 5, cả nước đã gieo cấy được 4,25 triệu ha lúa, bằng 98,5% so với cùng kỳ; diện tích lúa đã thu hoạch đạt gần 2,6 triệu ha, bằng 99,2%.

Sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt trên 17,5 triệu tấn, bằng 100,7% so với cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 67,4 tạ/ha tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Nguồn cung giảm, giá lúa gạo neo rất cao - Ảnh 1.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương hơn 2 tỷ USD, tăng 41% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022; đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị.

Trước đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng đầu năm thiết lập kỷ lục mới do nhu cầu tăng cao từ hầu hết thị trường chính. Trong nước tình hình sản xuất cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực với năng suất tăng, giá bán lúa gạo tiếp tục cải thiện.

Hiện nhu cầu gạo trên thị trường thế giới đang ở mức cao khi nhiều dự báo cho thấy hiện tượng thời tiết El Nino sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2023, làm gia tăng rủi ro về nguồn cung lúa gạo tại khu vực châu Á. Điều này khiến các quốc gia trong khu vực như Philippines hay Indonesia phải tăng cường kho dự trữ quốc gia.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, không chỉ tăng về số lượng, giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao trong những năm qua và cơ cấu loại gạo xuất khẩu cũng chuyển biến tích cực.

Sản phẩm gạo thơm đạt 530 - 540 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Về cơ cấu chủng loại, hiện nay gạo trắng phổ thông chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên tỷ lệ gạo thơm, gạo nếp, cũng như gạo tăng cường chất vi lượng tăng nhanh, ví dụ như gạo thơm xuất khẩu chiếm hơn 25% trữ lượng gạo.

Đây cũng là yếu tố để Việt Nam có thể tiếp cận những thị trường khó tính, bảo hộ thương mại cao như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Để giữ vững thị trường tiêu thụ, đại diện Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần duy trì ổn định chất lượng gạo, theo sát yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của từng thị trường, tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao để tăng giá trị cho các lô gạo xuất khẩu.

Bộ Công Thương đặt kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt khoảng 7 triệu tấn với kim ngạch 4 tỷ USD. Dù khối lượng thấp hơn năm 2022 (7,13 triệu tấn), song kim ngạch cao hơn hẳn (3,45 tỷ USD).

Nguồn cung giảm, giá lúa gạo neo rất cao - Ảnh 2.

Giá lúa gạo hôm nay 4/6 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định ở mức cao so với hôm qua.

Giá lúa gạo hôm nay 4/6 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định ở mức cao so với hôm qua. Theo đó, tại An Giang giá lúa OM 18 được thương lái thu mua với giá 6.800 đồng/kg; Lúa OM 5451 gía 6.300 - 6.500/kg. Giá lúa IR 50404 trong khoảng 6.200 - 6.400 đồng/kg. Lúa Nàng Hoa 9 được thương lái thu mua với giá trong khoảng 6.600 - 6.800 đồng/kg. Giá lúa Đài thơm 8 trong khoảng 6.800 - 7.000 đồng/kg. Giá lúa Nhật trong khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg. Lúa Nàng Nhen (khô) có giá là 13.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm có xu hướng neo cao. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè thu dao động quanh mốc 9.450 – 9.650 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 10.800 – 10.900 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.400 – 9.500 đồng/kg; cám khô 7.400 – 7.550 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo duy trì cao, gạo thường là 11.500 - 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 15.000 đồng/kg; Nếp ruột 16.000 - 18.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg; Nàng Hoa 18.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 22.000 đồng/kg; Cám 7.600 - 8.000 đồng/kg; Gạo thơm Thái hạt dài duy trì 18.000 - 19.000 đồng/kg và Hương Lài 19.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, hiện lượng gạo nguyên liệu về ít. Giao dịch lúa Hè Thu ổn định, giá lúa biến động nhẹ ở một vài khu vực.

Trong tuần qua, lượng gạo nguyên liệu về giảm lại, chỉ bằng khoảng 70% so với tuần trước đó. Giá lúa gạo trong nước tiếp tục neo cao. Giá lúa OM 18 vụ Hè Thu sớm ở mức cao, năng suất giảm so với đầu vụ, chất lượng giảm. Lúa khô vụ Đông Xuân 2022/2023 giá cao. Tuy nhiên, nguồn cung giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Giá lúa gạo neo cao giúp tâm lý người dân phấn khởi. 

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 498 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 483 USD/tấn. Với mức giá này, hiện gạo Việt Nam đang cao hơn từ 5 – 18 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.

Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu đã tăng 3 USD/tấn với gạo 5% tấm. Trong khi giá gạo của Việt Nam tăng thì tại các nước xuất khẩu gạo như Parkistan, Thái Lan điều chỉnh giảm. Theo đó, ngày 2/6/2023, giá gạo xuất khẩu của Pakistan đã giảm mạnh tới 25 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và giảm tới 20 USD/tấn đối với gạo 25% tấm. Sau khi “lao dốc”, giá gạo của Pakistan chào bán trên thị trường thế giới hiện còn 503 USD (gạo 5% tấm) và 468 USD/tấn (gạo 25% tấm).

Trước đó 1 tuần, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng giảm 5 USD/tấn. Sau khi giảm giá, gạo Thái Lan hiện được xuất khẩu với giá 493 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 5 USD.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần qua đã rời khỏi mức thấp nhất trong gần 6 tháng, nhờ mức giá cạnh tranh hơn các đối thủ, thu hút người mua từ các nước châu Á khác. 

Tuần này, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được các thương nhân chào bán với giá từ 375 – 380 USD/tấn, cao hơn so với mức 374 – 378 USD/ tấn của tuần trước. Hoạt động mua vào từ các nước châu Á đã được cải thiện một phần nhờ giá thấp. Tuy nhiên, nhiều người mua lớn hiện vẫn chưa quay lại thị trường. Bangladesh, quốc gia thường nhập khẩu gạo Ấn Độ để đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực do thiên tai, hiện không cần nhập khẩu gạo trong năm nay nhờ có một vụ mùa bội thu.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục