Sản xuất gạo của châu Phi chưa bao giờ đủ, cơ hội nào cho gạo Việt?

28/05/2023 14:14 GMT+7
Năm 2023, theo dự báo của USDA, sản lượng gạo của châu Phi trong niên vụ 2022/2023 dự báo đạt 24,3 triệu tấn, tăng 1,7% so với niên vụ 2021/2022. Tuy nhiên, sản xuất gạo của châu Phi dự báo ​​sẽ chưa bắt kịp được mức tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân và gia tăng dân số của khu vực...

Châu Phi luôn cần gạo nhập khẩu...

Năm 2023, theo dự báo của USDA, sản lượng gạo của châu Phi trong niên vụ 2022/2023 dự báo đạt 24,3 triệu tấn, tăng 1,7% so với niên vụ 2021/2022; trong đó khu vực Bắc Phi ước đạt 3,6 triệu tấn, tăng 23,7% và khu vực châu Phi hạ Sahara ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 1,2%.

USDA cũng ước tính sản lượng gạo tiêu thụ và dự trữ toàn châu Phi trong năm 2023 đạt trên 42,2 triệu tấn, tăng hơn 570 ngàn tấn so với năm 2022, trong đó: Khu vực Bắc Phi đạt khoảng 4,4 triệu tấn, tăng 50 ngàn tấn; Khu vực châu Phi hạ Sahara đạt khoảng 37,5 triệu tấn, tăng 300 ngàn tấn.

Trong nhiều năm qua, mặc dù diện tích gieo cấy lúa tại châu Phi đã được mở rộng nhưng sản lượng gạo sau thu hoạch tại các nước thuộc châu lục vẫn ở mức thấp so với thế giới và bị hạn chế bởi một số yếu tố như: Giống lúa chất lượng thấp, ít cải tiến, điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, cơ sở hạ tầng canh tác nông nghiệp kém phát triển, nguồn lực hạn chế, dịch hại, quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản yếu kém... Nhìn chung, sản xuất gạo của châu Phi dự báo sẽ chưa bắt kịp được mức tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân và gia tăng dân số của khu vực.

Gạo nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của châu Phi, bất chấp những nỗ lực hướng đến khả năng tự cung tự cấp của nhiều nước. Để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn, giảm 4,5%. Nguyên nhân giảm nhập khẩu là do từ nửa cuối năm 2022, nhiều nước tại châu lục đã chủ động nhập khẩu gạo để dự trữ, phòng trường hợp giá lương thực lại tiếp tục tăng do hệ lụy từ xung đột Nga – Ukraine kéo dài. Trong thời gian tới, nguồn cung cấp gạo chính của châu Phi vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Chủng loại gạo nhập khẩu chính của các nước châu Phi bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo tấm.

Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng thực phẩm sang thị trường châu Phi, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, sản xuất nội khối của châu Phi chưa đủ đáp ứng như gạo.

Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang 54 nước châu Phi là gạo. Gạo chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi.

Trong khi đó, sản xuất gạo của các nước châu Phi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của khu vực này. Vì vậy, gạo Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà, Ghana, Mozambique.

Sản xuất gạo của châu Phi chưa bao giờ đủ, cơ hội nào cho gạo Việt? - Ảnh 1.

Sản xuất gạo của châu Phi dự báo sẽ chưa bắt kịp được mức tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân và gia tăng dân số của khu vực.

Thời gian qua, thông qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại với khu vực thị trường châu Phi cho thấy, đa phần các nước châu Phi đánh giá cao và tin tưởng vào chất lượng nhiều mặt hàng thực phẩm của Việt Nam, trong đó đặc biệt là gạo.

Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm sang châu Phi, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, để không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mà còn giải quyết được các bài toán liên quan đến các khâu logistics.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi làm ăn tại thị trường Châu Phi, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý để tránh rủi ro.

Tình trạng lừa đảo ở các nước Châu Phi khá phổ biến như thông qua hình thức đấu thầu, đối tượng dễ đồng ý mua hàng Việt Nam với giá cao, đề nghị Việt Nam gửi tiền để lo thủ tục; hoặc đối tượng chào bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với giá thấp, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc… Sau khi nhận được tiền từ doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng sẽ đóng website và bỏ trốn.

Do vậy, trước khi giao dịch, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần, các cơ quan chức năng như Thương vụ có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh.

Ngoài hiện tượng lừa đảo, tại châu Phi, hàng Việt Nam còn phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…

Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu ở một số nước cũng tương đối cao. Khó khăn nữa là ngôn ngữ trên bao bì cần được ghi bằng 2 thứ tiếng là tiếng Ả-rập và tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, bởi nhiều nước châu Phi chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Ả-rập.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm hiểu thị hiếu, văn hoá người tiêu dùng châu Phi, quan tâm đến giấy chứng nhận Halal (giấy chứng nhận xác nhận sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu Luật Hồi giáo và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất) vì các nước châu Phi chủ yếu theo đạo Hồi.

Từ năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang 35 trên tổng số 55 quốc gia châu Phi với kim ngạch gần 630 triệu USD, trong đó các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Cote d'Ivoire, Ghana, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập...

Năm 2020, nạn châu chấu bùng phát tại Đông Phi, đại dịch Covid-19, tình trạng tăng trưởng dân số cao và giá gạo quốc tế cạnh tranh là những nguyên nhân dẫn đến việc các chính phủ và người dân châu Phi tăng cường tích trữ lương thực và thực phẩm, trong đó có gạo.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu gạo của toàn châu Phi từ năm 2020-2022 ước đã khoảng 15,7-17 triệu tấn/năm. Đến năm 2023, dự báo, nhập khẩu gạo của khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa.

Được biết, giá lúa gạo hôm nay 28/5 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ mức giá ổn định trong nhiều ngày qua.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; riêng OM 4218 là 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa đi ngang ở hầu hết các loại như: IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang không có sự thay đổi nhiều như: IR 50404 ở mức 6.600 đồng/kg; OC10 ở mức 6.800 đồng/kg; riêng Jasmine tăng 200 đồng/kg đạt 7.200 đồng/kg;

Giá lúa ST tại Bến Tre vẫn ở mức 7.800 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 6.800 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, giá lúa cũng không có sự biến động so với tuần trước như Đài thơm 8 là 8.100 đồng/kg, OM 5451 là 7.900 đồng/kg; RVT ổn định ở mức 8.300 đồng/kg.

Riêng giá lúa ở Hậu Giang có sự đi lên, như: IR 50404 là 7.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg, OM 18 là 7.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; RVT là 8.500 đồng/kg cũng tăng 200 đồng/kg.

Còn tại An Giang, hầu hết các loại lúa duy trì ổn đinh. Giá lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.800 – 7.000 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400 – 6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ  6.600 – 6.800 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200 - 6.400 đồng/kg.

Giá lúa nếp khô tại An Giang có giá từ 8.200 – 8.400 đồng/kg; nếp Long An khô từ 8.600 – 8.800 đồng/kg.

Về xuất khẩu, trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2023, trong bối cảnh nguồn cung thấp.

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 490-495 USD/tấn, cao hơn so với mức 485-495 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước.

Nguồn cung thấp và các nhà xuất khẩu đang tập trung vào việc hoàn thành các hợp đồng đã ký với khách hàng Indonesia.

Dữ liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 5/2023, 213.000 tấn gạo đã được bốc dỡ tại cảng TP.Hồ Chí Minh, với phần lớn gạo được chuyển đến Philippines, Indonesia và châu Phi.

Đối thủ cạnh tranh của gạo Việt Nam, gạo 5% tấm của Thái Lan, trong tuần này, được niêm yết ở mức giá 495-500 USD/tấn, thấp hơn một chút so với mức trung bình 500 USD/tấn của tuần trước. Nhu cầu đang giảm và các thị trường đang chờ thu hoạch vụ tiếp theo để có thêm nguồn cung.

Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm không thay đổi so với mức 374 – 378 USD/tấn của tuần trước. Đồng rupee giảm giá đang làm tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Ấn Độ. Nhu cầu yếu trong vài tuần qua và người mua đang trì hoãn mua gạo của Ấn Độ.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục