Dứa được mùa, được giá, nông dân xứ Thanh lãi đậm
Trừ chi phí, mỗi hecta lãi 70 triệu đồng
Dứa là một trong những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh Thanh Hoá. Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn hecta đất trồng dứa tập trung chủ yếu tại các địa phương như Yên Định, Hà Trung, Ngọc Lặc, Thị xã Bỉm Sơn...
Với diện tích trồng dứa liên tục được mở rộng qua các năm, Thanh Hóa được xem là một trong những vựa dứa lớn nhất nhì miền Bắc. Thời điểm này, các địa phương trồng dứa trên địa bàn tỉnh đang tất bật vào vụ thu hoạch.
Tại nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định), khoảng 900 hecta dứa đang vào chính vụ. Dứa chính vụ được thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Đây là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong mùa hè.
Do dứa đang được giá nên bà con nông dân khẩn trương ra đồng thu hoạch bất chấp thời tiết nắng nóng có lúc lên tới 40oC. Rất đông lao động trong vùng và các vùng lân cận được thuê đến thu hoạch dứa
Hầu hết chủ vườn phải thuê thêm nhân công thu hoạch dứa để kịp bán cho thương lái. Rất đông lao động trong vùng và các vùng lân cận được thuê đến làm việc tại vườn dứa. Công việc cụ thể là bẻ dứa và khuân vác dứa từ vườn ra xe ôtô của thương lái.
Anh Hồ Thanh Chương, một người đi thu hoạch dứa thuê cho biết nhóm của anh có tất cả 25 người cả nam lẫn nữ. Khi có thương lái đến thu mua dứa, cả nhóm sẽ theo xe ô tô đến các vườn để bẻ dứa và đội dứa ra xe.
Chủ vườn sẽ trả công cho việc thu hoạch mỗi tấn dứa là 300.000 đồng. Mỗi ngày, nhóm của anh Chương thu hoạch được khoảng 50 tấn dứa. Tính ra, mỗi người được khoảng 200.000 tiền công/ngày.
Một hộ trồng dứa tại nông trường Thống Nhất cho hay dứa tươi tại vườn đang được thương lái thu mua với giá từ 3.000-5.400 đồng/kg. Mỗi hecta dứa cho năng suất khoảng 50 tấn quả. Trừ chi phí, công chăm sóc, thu hoạch, mỗi ha dứa cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng.
Cần nhà máy chế biến, ổn định đầu ra
Để giảm áp lực trong quá trình tiêu thụ, các ban ngành tại địa phương khuyến cáo bà con nông dân trồng dứa nên trồng rải vụ.
Tại nông trường Thống Nhất, ngoài diện tích dứa chín đang được thu hoạch, người dân còn trồng song song nhiều diện tích dứa non và mới ra hoa…Đây là cách người dân áp dụng nhằm tránh trường hợp thu hoạch ồ ạt vào cùng một thời điểm.
Việc trồng rải vụ vừa bảo đảm nguồn cung hàng cho thị trường đến hết mùa hè, vừa tránh được tình trạng dứa chín đồng loạt dẫn đến việc dồn ứ, khó tiêu thụ hoặc bị thương lái ép giá.
Ngoài việc nhập cho thương lái ngay tại ruộng, dứa còn được vận chuyển đi tiêu thụ ở các chợ, trở thành một loại hoa quả phổ biến, thân thiện trong mùa hè. Những năm gần đây, quả dứa đã trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của nhiều địa phương ở Thanh Hóa.
Do cây dứa có giá trị kinh tế cao nên những năm trở lại đây, diện tích trồng dứa ở Thanh Hóa tăng nhanh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 3,3 nghìn ha dứa.
Tuy nhiên, do không có mối liên kết ổn định với doanh nghiệp, nông dân chủ yếu bán dứa cho thương lái với giá cả bấp bênh. Sản lượng nhiều nhưng đầu ra không ổn định khiến người trồng dứa nhiều phen lao đao.
Trước tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng để ổn định giá cả và đem lại lợi nhuận cho nông dân trồng dứa, việc đầu tư nhà máy chế biến là điều rất cần thiết.