Đưa mực ống Cô Tô thành sản phẩm thương hiệu

01/11/2020 06:48 GMT+7
Không chỉ là sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương, các sản phẩm từ mực ống Cô Tô thời gian qua đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chú trọng xây dựng, phát triển thành sản phẩm thương hiệu, sản phẩm gia tăng có tiếng.

Nhắc tới mực ống Cô Tô, chắc hẳn người dân, thực khách sành ăn sẽ nhớ ngay tới mực khô, mực một nắng Cô Tô có tiếng. Mực Cô Tô nổi tiếng bởi độ dai, mềm, ngọt, hương vị khác hẳn sản phẩm các vùng khác.

Ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp huyện, cho biết: Nằm trên ngư trường rộng lớn, Cô Tô có loài mực ống biển Bắc, vốn là giống mực đặc trưng với độ lớn, thân dài, nhọn. Cùng với các điều kiện về địa lý, hải dương, độ mặn, khí hậu kết hợp với truyền thống, kinh nghiệm chế biến của người dân biển đảo bao năm qua mà mực tươi hay qua chế biến mang thương hiệu Cô Tô đều có hương vị khác biệt, được thực khách ưa thích.

Đưa mực ống Cô Tô thành sản phẩm thương hiệu - Ảnh 1.

Sản phẩm mực khô Cô Tô được chế biến từ mực loại 1 với quy trình chặt chẽ.

Thông thường, mùa mực ống vào khoảng từ tháng 2 - 3 tới tháng 5 - 6 hàng năm là mùa câu rộ, cho sản lượng khá lớn. Từ lâu, việc chế biến mực ống Cô Tô cũng có những yêu cầu khắt khe. Đó là phải chọn mực to, loại 1 có độ dài từ 15cm trở lên, ưu tiên mực câu trong ngày bởi đạt độ tươi hơn so với mực chài dài ngày trên biển.

Phát huy lợi thế này, theo thời gian, nghề chế biến mực ở Cô Tô cũng được đúc rút, cải tiến nhiều từ kỹ thuật tới cơ sở hạ tầng. Từ những năm 2007-2008, khi Cô Tô bắt đầu sử dụng nguồn điện máy phát khá ổn định, việc sản xuất hàng hoá cũng được huyện quan tâm hơn. Các hộ chế biến cũng bắt đầu đầu tư tủ cấp đông, điều hoà… để bảo quản và sấy lạnh sản phẩm khi thời tiết không thuận lợi.

Quy mô, chất lượng sản phẩm nhờ đó cũng được cải thiện rõ rệt, dần được thực khách biết tới nhiều hơn. Giá thành sản phẩm cũng tăng lên, khoảng 900 nghìn đồng - 1 triệu đồng/kg mực khô, 300-400 nghìn đồng/kg mực một nắng. Tuy nhiên, mực chủ yếu sản xuất theo thời vụ. Số lượng hộ sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay, tiêu biểu như: Cơ sở Thanh Măng, Huyên Sơn...

Từ năm 2013, khi điện lưới quốc gia "phủ sóng" tới đảo Cô Tô, với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, các sản phẩm, đặc sản địa phương cũng được huyện quan tâm thúc đẩy, khuyến khích. Các cơ sở cũng dần chuyên nghiệp hoá, đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền hiện đại hơn để cho ra sản phẩm chất lượng cao hơn. Các cơ quan chức năng cũng quan tâm hơn tới việc chuẩn hoá quy trình sản xuất, hỗ trợ các hộ xây dựng nhà xưởng chế biến, bãi phơi, vệ sinh ATTP...

Chị Phạm Thị Măng, cơ sở Thanh Măng (khu 4, thị trấn Cô Tô) chia sẻ: ”Nhận thấy được cơ hội để phát triển ngành chế biến hải sản khô, đặc biệt là đặc sản mực ống, tôi cùng một số hộ kinh doanh đã đầu tư tủ bảo ôn, máy sấy, máy hút chân không khi Cô Tô có điện. Khi điện lưới về, chúng tôi có cơ sở xây dựng kho lạnh với sức chứa vài tấn hải sản khô để đảm bảo nguồn cung vào thời kì cao điểm”.

Đưa mực ống Cô Tô thành sản phẩm thương hiệu - Ảnh 2.

Ngoài các sản phẩm quen thuộc, các sản phẩm gia tăng từ mực, như chả mực, chả hải sản... cũng được các đơn vị, doanh nghiệp ở Cô Tô quan tâm sản xuất.

Đặc biệt, một "cú hích" đến với thương hiệu này vào năm 2012, khi mực ống Cô Tô được UBND tỉnh phê duyệt là một trong những sản phẩm trong chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Quảng Ninh. Cùng thời điểm, UBND huyện Cô Tô phối hợp với Sở KH&CN triển khai Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mực ống Cô Tô” với tổng kinh phí là 3 tỷ đồng.

Năm 2013, mực ống Cô Tô được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, huyện Cô Tô đã đăng ký sản phẩm này trong chương trình OCOP tỉnh và đang tập trung thực hiện các giải pháp để nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm.

Hiện Cô Tô có khoảng 5 hộ lớn và hàng chục hộ làm nghề chế biến thuỷ sản khô, trong đó có sản phẩm mực “một nắng” và mực khô. Khi vào vụ, trung bình mỗi hộ chế biến được khoảng 2 tạ mực khô và 2 tạ mực “một nắng”/tháng. Giá thành sản phẩm cũng tăng, từ 1,1-1,2 triệu đồng/kg mực khô lên 1,8-1,9 triệu đồng/kg, mực một nắng loại 1 là 700 nghìn đồng/kg, loại 2 là 600 nghìn đồng/kg.

Hiện sản phẩm mực khô (Cơ sở Thanh Măng) và mực một nắng (Cơ sở Thanh Uý) lần lượt được xếp hạng 3, 4 sao cho sản phẩm OCOP. Sản phẩm mực khô và mực một nắng đã thực sự trở thành một thương hiệu lan toả, một món quà ngon cho du khách khi tới Cô Tô, Quảng Ninh.

Không chỉ vậy, để nâng cao giá trị, đa dạng hoá sản phẩm, hiện các đơn vị chế biến ở Cô Tô còn quan tâm đầu tư sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm gia tăng từ con mực, như: Chả mực, chả hải sản... Đi đầu và tiêu biểu cho xu hướng này là cơ sở Thanh Măng. Các sản phẩm này được đơn vị sản xuất đưa ra thị trường từ đầu năm 2019 và được thực khách đón nhận ở các hội chợ OCOP tỉnh. Hiện sản phẩm đang được đề xuất tham gia chương trình OCOP. Đây cũng là định hướng được huyện Cô Tô ủng hộ, khuyến khích trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để sản phẩm phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa thương hiệu sản phẩm mực ống Cô Tô, cơ quan chức năng cần quan tâm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất chưa tuân thủ quy trình sản xuất. Bởi đã có hiện tượng các sản phẩm thương hiệu mực Cô Tô bị nhái, nhập nguyên liệu đầu vào không rõ ràng, làm ảnh hưởng tới thương hiệu sản phẩm mực Cô Tô vốn được dày công xây dựng từ trước tới nay.

Hà Phong/Báo Quảng Ninh
Cùng chuyên mục