Được nới room tín dụng lên 18 – 22%, ngân hàng sẽ không “tiêu” hết?
Những ngân hàng đầu tiên được nới room tín dụng
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tăng tín dụng lên mức 18 – 22% cho một số ngân hàng bao gồm: Techcombank, VPBank, TPBank, VIB, HDBank,... Đồng thời kỳ vọng tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng dưới 10% năm 2020.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng (NHNN) cho biết, tất cả các ngân hàng xin nới room tín dụng đều được nâng. Tuy nhiên, các ngân hàng phải đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay.
Còn tại cuộc họp với các địa phương tổ chức mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã "bật đèn xanh" trong việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020, tạo đà tăng cho nền kinh tế. "Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô", Thống đốc cho hay và nhấn mạnh, NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng.
Trên thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2020, nhu cầu tín dụng toàn nền kinh tế giảm mạnh. Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 29/6, tín dụng tăng 3,26%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Mặc dù tín dụng tăng khá yếu trong những tháng đầu năm nhưng đang có dấu hiệu tăng trở lại. Tháng 3 tín dụng mới tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.
Sự khởi sắc trong hoạt động cho vay thể hiện rất rõ trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của VietinBank, ngân hàng có quy mô dư nợ lớn thứ ba hệ thống chỉ sau BIDV và Agribank.
Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2020, dư nợ tín dụng bao gồm cả chi nhánh nước ngoài của VietinBank đạt 946.100 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ đồng so với đầu năm (tương ứng tăng 0,48%) và đặc biệt được cải thiện đáng kể trong tháng 6. Trước đó, vào trung tuần tháng 5, dư nợ tín dụng VietinBank ghi nhận giảm khoảng 2% so với đầu năm, nguyên nhân chủ yếu là tổng cầu tín dụng giảm.
Không chỉ VietinBank, một số ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trong quý II, đặc biệt là trong tháng 5 và tháng 6.
Theo đó, tính đến hết tháng 5/2020, tốc độ tăng tín dụng riêng lẻ HDBank là 8%, trong khi đến ngày 31/3, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt khoảng 5,9%.
Trong khi đó, tại VPBank theo báo cáo tài chính quý II/2020, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 9,8% so với cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng này ở ngân hàng riêng lẻ đạt tới 12,7%.
Trước đó, trong quý I, tăng trưởng cho vay của ngân hàng này mới chỉ ở mức 4,2%.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của TPBank cũng lên tới 11%, sát với hạn mức được NHNN phê duyệt (11,5%).
Có "tiêu" hết room?
Giới chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng là hoàn toàn phù hợp. Bởi hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục từ cuối quý II và dự báo sẽ tăng mạnh trong quý III - cũng là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng.
Vì vậy, việc nới room cho các ngân hàng sẽ tạo thêm dư địa để các nhà băng cấp vốn cho doanh nghiệp, thông qua đó vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn khá yếu và phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh trên thế giới, nên khả năng khởi động lại của nền kinh tế sau dịch ở Việt Nam chưa mạnh mẽ.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhìn nhận, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần khôi phục, nhưng cầu tín dụng vẫn còn yếu. Nguyên nhân một phần do hiện hàng tồn kho DN lớn nên DN cũng không dám mạnh tay vay vốn để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến cho chuỗi sản xuất, cung ứng vẫn bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó DN cũng hạn chế vay vốn, khiến tín dụng khó tăng.
Vị chuyên gia này vẫn bảo lưu quan điểm, tín dụng tăng theo sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chứ không nên cố gượng ép. Nếu ép quá rất dễ phát sinh nợ xấu, chưa kể tạo áp lực cho lạm phát giai đoạn sau.
"Cung tiền tác động lên lạm phát thường có độ trễ có thể 2-3 năm. Hiện tại kinh tế khó khăn cần có chính sách nới lỏng, nhưng về lâu dài không thể nới lỏng mãi được. Nhất là đến giai đoạn kinh tế phục hồi, lạm phát quay trở lại. Đây là bài toán phải tính đến cho những năm sau. Dù là lo hơi xa nhưng theo tôi cần phải quan tâm đến không nên lơ là chủ quan", TS. Độ bày tỏ quan điểm.
PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá, cầu vốn của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ khó tăng so với mọi năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với khả năng phải dừng hoạt động hoàn toàn.
Vì thế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ giảm xuống và trên thực tế tín dụng toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
"Ðó là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận để có chính sách điều hành phù hợp hơn, thay vì cố gắng "bơm" vốn ra nền kinh tế, kể cả vốn giá rẻ cũng chưa chắc đã đưa được vào sản xuất, kinh doanh. Bởi để sản xuất thì doanh nghiệp không chỉ cần vốn, mà còn phải có thị trường. Nếu những vấn đề này không sớm được giải quyết thì sẽ gây nhiều bất ổn về kinh tế vĩ mô sau này", ông Thành nói.
Với tình hình đầu ra tín dụng vẫn khó như hiện nay, đại diện một ngân hàng thương mại cũng nhận định các ngân hàng có thể không dùng hết phần room được NHNN nới thêm.
Điều này không phải là không có cơ sở. Bởi trên thực tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang “yếu” đi vì nhiều lý do khác nhau như: Không vay vốn vì không mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh, lãi vay cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp hay số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, trong một khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trên 91% doanh nghiệp có quy mô vừa, 89,7% doanh nghiệp nhỏ và trên 82% siêu nhỏ cho biết là bị tác động tiêu cực của Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động của nền kinh tế đã dần trở lại bình thường sau khi chấm dứt giãn cách xã hội (từ ngày 23/4/2020), nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong tháng 6/2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2019 cũng như các năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 16,4%, nhưng có tới 29.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, khoảng 19.600 doanh nghiệp đang chờ thủ tục cuối cùng trước khi rút khỏi thị trường, trên 7.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể... và trên 22.400 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ về những khó khăn đang hiện hữu, tại Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp vừa tổ chức, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, đại dịch đã làm mất đi một lượng đơn hàng lớn, doanh nghiệp không có nguồn thu, khiến vấn đề chi trả lương cho nhân viên, chi phí đào tạo nâng cao tay nghề nhân công trở nên khó khăn. Riêng về vấn đề tín dụng, ông Dương cho hay, trên thế giới, nhiều nước đã giảm lãi suất cho doanh nghiệp về 0%, nhưng ở Việt Nam, vốn vay lãi suất vẫn còn cao.
“Trước đây lãi vay 10%, sau khi giảm đến nay còn 7-8%, doanh nghiệp không thể đủ bù đắp chi phí lãi vay, nhất là trong bối cảnh đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh”, ông Dương dẫn chứng và nhấn mạnh, doanh nghiệp không thể tiếp tục vay vốn khi hoạt động không gánh được chi phí lãi vay. Chưa kể, với gói hỗ trợ tín dụng, có ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ. Để thực hiện được những việc này là vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian...
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, tổng cầu ngành da giày đã bị tác động từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát. Các doanh nghiệp lớn còn trụ được thì bị giảm tới 50% đơn hàng, các doanh nghiệp nhỏ đã phải đóng cửa hàng loạt. Vì vậy, nhu cầu về nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh cũng chưa quay thể trở lại như những năm trước, thậm chí sụt giảm trong những tháng cuối năm.