Được tiếp vốn, nông dân Phú Yên mạnh dạn làm kinh tế, nhiều hộ lãi cả tỷ đồng/năm

31/07/2024 09:50 GMT+7
Có đất đai, có sức lao động nhưng lại thiếu vốn sản xuất là thực trạng chung của nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Chính vì thế, những năm qua, các cấp hội nông dân tỉnh Phú Yên đã đứng ra ký kết ủy thác với các ngân hàng cho hội viên nông dân vay vốn để phát triển kinh tế.

Thông qua các nguồn vốn vay, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập.

Tiếp sức cho người dân phát triển kinh tế

Có dịp ghé thăm làng nghề dệt chiếu cói có tuổi đời trăm năm tại xã An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), du khách sẽ cảm nhận được sự rộn ràng, vui tươi từ những âm thanh vang vọng của những khung, máy dệt và sự vui vẻ, mến khách của người dân làng nghề.

Trong những ngôi nhà có mái hiên phía trước, các mẹ, các chị đang cần mẫn dệt chiếu bằng tay thủ công, tay vừa làm, miệng vừa cười nói khi có khách hỏi thăm. Ở những gia đình trẻ, nhiều người năng động, dám nghĩ, dám làm đã bắt kịp xu thế phát triển, trang bị máy móc, đẩy mạnh sản xuất, đưa sản phẩm chất lượng đến với khách hàng ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Được tiếp vốn, nông dân Phú Yên mạnh dạn làm kinh tế, nhiều hộ lãi cả tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Người dân huyện Sông Hinh tiếp cận vốn vay để sản xuất măng tây. Ảnh: Lê Hà.

Gia đình chị Nguyễn Thị Linh, ở thôn Tân Long, xã An Cư (huyện Tuy An) là địa chỉ sản xuất chiếu cói quy mô khá lớn của làng. Chị Linh cho biết nghề làm chiếu là nghề truyền thống của làng cũng là của gia đình chị. Từ bé, chị đã biết phụ giúp những công việc lặt vặt xoay quanh nghề làm chiếu. Đến thời con gái, đã dệt chiếu cói thành thạo và lấy chồng rồi vẫn còn gắn bó với nghề.

"Hầu như khi dệt tay, bà con chỉ dệt loại chiếu trơn, ít hoa văn, dệt đơn giản và giá bán rẻ. Nếu khách hàng đặt sản phẩm chất lượng cao thì giá bán có cao nhưng thời gian dệt quá lâu, có khi 2 thợ 1 khung chỉ dệt giỏi lắm là một đôi chiếu mỗi ngày. Vì vậy, tôi luôn trăn trở làm sao dệt chiếu đỡ nhọc nhằn hơn, có năng suất, chất lượng hơn để cạnh tranh trên thị trường. Sau thời gian tìm hiểu, tôi nghĩ chỉ đầu tư máy móc mới giải quyết được bài toán này".

Trăn trở là vậy nhưng phải đến năm 2012, khi chị Linh mới tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tuy An (thuộc Agribank Phú Yên) khoảng 100 triệu đồng để đầu tư 2 máy dệt chiếu. Từ ngày có máy móc, gia đình chị dệt chiếu có năng suất, hiệu quả, mỗi ngày có thể làm ra từ 30-50 sản phẩm. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm làm ra đã tăng lên nhiều lần so với trước nên gia đình có thu nhập ổn định. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ khi chuyển đổi sang dùng máy móc, chị Linh tiếp tục được Agribank tiếp vốn đầu tư và mở rộng cơ sở.

Nhờ vậy, đến nay chị đã gây dựng 15 máy dệt. Hiện mỗi tháng cơ sở dệt chiếu của gia đình chị Linh cung cấp cho thị trường khoảng 6.000 chiếc chiếu lớn, nhỏ các loại, với nhiều hoa văn khác nhau và mang về doanh thu mỗi năm khoảng 6 tỷ đồng. "Từ thành công của sản phẩm chiếu cói, tôi đang tìm hiểu phát triển thêm sản phẩm đồ thủ công làm từ cây cói như giỏ, mũ cói… để cung cấp cho khách hàng và phục vụ sản phẩm du lịch, thân thiện với môi trường", chị Linh bày tỏ.

Được tiếp vốn, nông dân Phú Yên mạnh dạn làm kinh tế, nhiều hộ lãi cả tỷ đồng/năm- Ảnh 2.

Mỗi năm vốn vay nuôi trồng thủy hải sản chiếm 14% dư nợ toàn hệ thống Agribank Phú Yên, trong đó chiếm phần lớn con số này là tại địa bàn thị xã Sông Cầu. Ảnh: Lê Hà.

Cũng là một nông dân năng động và được vay nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp với sự bảo lãnh của Hội Nông dân huyện, gia đình ông Nguyễn Văn Hảo ở xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân trở điển hình vươn lên thoát nghèo. Hiện ông Hảo đầu tư 1 trang trại nuôi heo thịt với quy mô 590 con/trại và 1 trang trại nuôi gà. Cùng với đó, gia đình ông còn trồng trọt, chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm thu hoạch từ nuôi heo, bò, trồng mía, keo lai, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Hảo thu về hơn 300 triệu đồng. Ông Hảo bày tỏ: "Nếu không có sự giúp đỡ từ các cấp hội, cũng như nguồn vốn vay ngân hàng, không biết đến khi nào gia đình chúng tôi mới khá giả lên được".

Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho hay, thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu cần vay vốn làm ăn của hội viên, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội. Để giúp hội viên nông dân đáp ứng đủ điều kiện vay, các cấp Hội phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ vay vốn trên cơ sở các chi, tổ Hội Nông dân theo đúng hướng dẫn quy định. Sau khi người vay tiếp cận được nguồn vốn, các cấp Hội tổ chức giám sát để hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hướng dẫn họ làm ăn vươn lên thoát nghèo.

Tính đến ngày 30/6/2024 Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Ngân hàng Agribank giải ngân cho vay vốn, nâng tổng dư nợ lên hơn 1.151 tỷ đồng với 14.886 hộ vay, 751 tổ tiết kiệm và vay vốn. Vừa qua, vùng nuôi thủy sản tại xã Xuân Thịnh, xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) có tình trạng tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt gây ước tính thiệt hại khoảng 45 tỷ đồng, Hội Nông dân phối hợp kiến nghị Ngân hàng Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ tạo điều kiện cho các hộ vay lại để tái đầu tư sản xuất.

Agribank Phú Yên trợ lực để nông dân giảm nghèo

Từ nguồn vốn vay của các ngân hàng đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần tích cực làm cho số hộ nông dân khá, giàu tăng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể.

Trong đó, có nhiều mô hình cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm. Điển hình như mô hình nông lâm kết hợp chăn nuôi của ông Bùi Minh Tâm (huyện Sông Hinh) thu nhập trên 1,2 tỷ đồng/năm. Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của ông Đặng Ngọc Phú (huyện Tây Hòa) cho thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm. Mô hình nuôi bò vỗ béo của hộ ông Nguyễn Văn Trung, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), thu nhập bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm. Mô hình nuôi heo bằng công nghệ khép kín có hộ ông Phùng Hồng Em (thị xã Sông Cầu), thu nhập 2 tỷ đồng/năm.

Được tiếp vốn, nông dân Phú Yên mạnh dạn làm kinh tế, nhiều hộ lãi cả tỷ đồng/năm- Ảnh 3.

Nguồn vốn vay là trợ lực để người nông dân phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Ảnh: Lê Hà.

Mô hình nuôi tôm hùm và nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương tập trung ở các huyện, thị xã ven biển cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm, điển hình như: Hộ ông Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Thọ, Phan Văn Tỏ (thị xã Sông Cầu), thu nhập bình quân 1,5 tỷ đồng; hộ ông Phan Văn Khánh, Trần Xuân Phú (thị xã Đông Hòa) thu nhập từ 1,2 đến 1,8 tỷ đồng/năm.

Là ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực "Tam nông", thời gian qua Agribank Phú Yên luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là thị trường trọng tâm, nông dân là người bạn đồng hành. Từ đường hướng đó, Agribank Phú Yên đã tăng cường xây dựng và mở rộng mạng lưới nhằm giúp các khách hàng nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận dịch vụ nhanh chóng, dễ dàng.

Điều này thể hiện khi Agribank Phú Yên mở thêm nhiều điểm giao dịch bằng xe lưu động tại các xã miền núi như Sơn Long, Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cũng như cung cấp nhiều máy ATM/CDM rộng khắp từ vùng nông thôn đến miền núi và ký kết hợp tác toàn diện cung cấp dịch vụ tài chính với Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, cung cấp các gói vay cho hội viên. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn dễ dàng, giúp bà con nông dân đầu tư nguyên liệu, máy móc sản xuất nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết: Kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp là sự chỉ đạo nhanh chóng, dứt khoát, kịp thời của Ban điều hành Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Yên, đã trợ lực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đến 30/6/2024 tổng dư nợ của Agribank Phú Yên đạt hơn 9.400 tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ cho vay, với sự tham gia của hơn 35.500 hộ dân, 180 doanh nghiệp và 10 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Cũng theo ông Thịnh, các vùng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh Phú Yên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Agribank Phú Yên. Những năm qua Agribank luôn tạo điều kiện cho vay để bà con phát triển thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm hùm trên toàn tỉnh dựa trên thế mạnh của địa phương. Mỗi năm vốn vay nuôi trồng thủy hải sản chiếm 14% dư nợ toàn hệ thống Agribank Phú Yên, trong đó chiếm phần lớn con số này là tại địa bàn thị xã Sông Cầu.

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho người nuôi, Agribank thị xã Sông Cầu phối hợp với chính quyền các xã, các hội, đoàn thể trên địa bàn lập danh sách hộ nuôi có nhu cầu vay vốn và phân công cán bộ phụ trách địa bàn nhanh chóng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho bà con. Và nhờ nguồn vốn vay này mà nhiều bà con ngư dân đã tận dụng phát huy nuôi tôm hùm hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đến 30/6/2024 tổng dư nợ của Agribank Phú Yên đạt hơn 9.400 tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ cho vay, với sự tham gia của hơn 35.500 hộ dân, 180 doanh nghiệp và 10 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Lê Hà
Cùng chuyên mục