Đường sắt Hà Nội (HRT) báo lãi quý III tăng vọt hơn 200%, đạt 54 tỷ đồng

24/10/2023 11:13 GMT+7
Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (Mã: HRT) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023, ghi nhận doanh thu thuần đạt 637 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo tài chính của Đường sắt Hà Nội cho thấy, giá vốn hàng bán ở mức 527 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ; Lợi nhuận gộp tăng 40% lên 109 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ mức 12% cùng kỳ lên 17%.

Điểm sáng của Đường sắt Hà Nội là doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh ở mức 3 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ; Các khoản chi phí đã được tiết giảm hơn so với cùng kỳ năm trước như: Chi phí tài chính (toàn bộ là chi phí lãi vay) giảm 5% còn 12 tỷ đồng; chi phí bán hàng khoảng 37 tỷ đồng, giảm 4% và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 10 tỷ đồng, giảm 3%.

Đường sắt Hà Nội (HRT) doanh thu giảm nhẹ, "gồng gánh" lỗ lũy kế hơn 285 tỷ đồng - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính của Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (Mã: HRT). Ảnh: TA

Trong quý III/2023, Đường sắt Hà Nội đạt lợi nhuận trước thuế hơn 54 tỷ đồng, tăng cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2022 ở mức 17 tỷ đồng. Luỹ kế tới ngày 30/9, đạt 97 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Luỹ kế tính đến ngày 30/9/2023, Đường sắt Hà Nội đạt doanh thu thuần hơn 1.895 tỷ đồng và 98 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 9% và 178% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch năm 2023, Đường sắt Hà Nội đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần đạt 2.517 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2022.

Mặc dù, doanh thu có sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa thể giúp Đường sắt Hà Nội thoát được các khoản lỗ từ những năm trước. Tính đến 30/9/2023, Đường sắt Hà Nội đang "gồng gánh" lỗ lũy kế hơn 285 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu đạt 518 tỷ đồng, tương đương tăng 0,2% so với đầu năm; Nợ phải trả là 815 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 0,2% so với hồi đầu năm.

Tổng tài sản của Đường sắt Hà Nội là 1.334 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm. Đường sắt Hà Nội đang có hơn 41 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 204 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, lần lượt giảm 58% và tăng 72%.

Trước đó, trung kỳ tháng 8/2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025.

Cụ thể, giai đoạn đến 2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một. Như vậy, sau khi sáp nhập, 2 doanh nghiệp này sẽ bị "xoá sổ" không còn pháp nhân kinh doanh như cũ.

Việc hợp nhất này là tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo Văn bản số 303 ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với phương án sáp nhập hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất sẽ lớn hơn 80%...


Thế Anh
Cùng chuyên mục