Đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc đang phát huy hiệu quả
Trong tháng 11/2023, ga Đồng Đăng đã có 292 toa xe với 8.323 tấn hàng xuất, trong đó hàng từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc sang nước thứ ba đạt 1.636 tấn; các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm, đồ gỗ, hàng điện tử, điện lạnh, gia dụng... Cùng đó là hàng hóa nhập vào nội địa có 378 toa xe, với hơn 12.900 tấn; các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm, sắt thép, hóa chất, gia dụng...
Cũng tại cửa khẩu đường sắt ga liên vận quốc tế Lào Cai hàng hóa xuất nhập khẩu sang bên kia biên giới Trung Quốc liên tục được vận chuyển với các mặt hàng như" lưu huỳnh, quặng sắt, linh kiện điện tử; hàng từ Trung Quốc nhập Việt Nam gồm phân bón, sắt thép, than cốc, sunfat amoni, pin năng lượng mặt trời, rau tươi...
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, kết quả này đến từ sự hợp tác chặt chẽ giữa đường sắt hai nước trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế.
Hai nước đã ký Hiệp định đường sắt biên giới năm 1992 và chính thức thông xe qua hai cặp cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường khổ 1.435mm và Lào Cai - Hà Khẩu khổ 1.000mm vào ngày 14/2/1996.
Định kỳ hàng năm, đường sắt hai nước tổ chức Hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh và tìm các biện pháp tích cực thúc đẩy công tác vận tải liên vận quốc tế giữa hai nước và quá cảnh tới các nước thứ ba.
Đường sắt hai nước đã thống nhất thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa liên vận đường sắt Việt - Trung với các đoàn tàu chuyên tuyến từ Trung Quốc đi châu Âu, xúc tiến phát triển chuyên chở hàng hóa giữa đường sắt hai nước với đường sắt Á - Âu.
Cùng đó nghiên cứu áp dụng trao đổi dữ liệu điện tử liên vận đường sắt quốc tế để phục vụ tổ chức vận tải, nâng cao hiệu suất tác nghiệp tại cửa khẩu; khai thác mở rộng liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế, bao gồm thị trường liên vận đa phương thức đường sắt, đường thủy, đường bộ; phối hợp trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác đường sắt (OSJD) và Liên minh Đường sắt quốc tế (UIC).
Dự kiến, đường sắt sẽ có 8 ga khai thác liên vận quốc tế, trong đó có một số ga đã đưa vào khai thác, gồm Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Kép, Sóng Thần, Kim Liên (Đà Nẵng), Diêu Trì (Bình Định), Trảng Bom (Đồng Nai).
Chỉ chưa đầy 9 tháng từ đầu năm đến nay, sau khi Chính phủ giao, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai, nâng cấp hạ tầng ga Kép và ga sóng Thần đưa vào làm ga liên vận, tổ chức các kho ngoại quan ICD (cảng cạn), logistics. Sau tỉnh Bắc Giang, Bình Dương, tỉnh Hải Dương cũng đang xúc tiến để tổ chức ga Cao Xá làm ga liên vận quốc tế.