Fed có thể bắt đầu siết van tiền ngay từ giữa tháng 11

14/10/2021 09:46 GMT+7
Biên bản họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Fed cho thấy Fed có thể siết quy mô gói mua tài sản ngay từ giữa tháng 11.

Bản tóm tắt biên bản họp của FOMC công bố hôm 13/10 (giờ Mỹ) cho thấy các thành viên FOMC cảm thấy Fed đã gần đạt đến các mục tiêu kinh tế để có thể tiến tới trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng, mặc dù vẫn quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức tiệm cận 0 như hiện nay. Khởi đầu việc đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại sẽ là động thái giảm quy mô gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD/ tháng kể từ giữa tháng 11 hoặc tháng 12, tiến tới kết thúc gói này vào giữa năm 2022.

Biên bản họp cho thấy trong quá trình giảm dần gói mua tài sản, Fed sẽ cắt giảm 10 tỷ USD/ tháng chương trình mua trái phiếu kho bạc và 5 tỷ USD/ tháng chương trình mua chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS). Nếu không gián đoạn, việc giảm dần quy mô mua tài sản tổng cộng 15 tỷ USD/ tháng sẽ giúp kết thúc hẳn gói mua tài sản vào giữa năm sau.

“Những người tham gia cuộc họp cùng chung nhận định rằng đà phục hồi rộng rãi của nền kinh tế vẫn đang đúng hướng và việc xây dựng lộ trình kết thúc gói mua tài sản vào khoảng giữa năm sau là phù hợp” - biên bản họp nhấn mạnh.

Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của FOMC được ấn định vào ngày 2-3/11 tới. Thị trường dự đoán Fed có thể áp dụng thu hẹp quy mô gói 120 tỷ USD ngay từ giữa tháng 11 trong bối cảnh lạm phát đang trở thành vấn đề lớn của nền kinh tế. 

Fed có thể bắt đầu siết van tiền ngay từ giữa tháng 11 - Ảnh 1.

Fed có thể bắt đầu siết van tiền ngay từ giữa tháng 11 (Ảnh: CNBC)

Kathy Jones, trưởng chiến lược gia về thu nhập cố định tại Charles Schwab, cho biết: “Nếu họ công bố việc thu hẹp gói mua tài sản vào tháng 11, hãy cứ bắt đầu và tiếp tục”. Bà Jones cho hay bà hơi ngạc nhiên khi một số thành viên FOMC thúc giục siết gói mua tài sản với tốc độ nhanh hơn. Bà cho rằng động thái như vậy có vẻ “hung hãn”.

Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard thậm chí còn cho rằng Fed có thể cần phải tăng lãi suất ngay trong năm tới để chống lại sự kéo dài dai dẳng của lạm phát. Thị trường dự báo Fed có thể bắt đầu đợt tăng lãi suất đầu  tiên vào tháng 9/2022, theo công cụ FedWatch của CME.

Biên bản họp chỉ ra rằng một số thành viên FOMC lo ngại áp lực lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến, qua đó làm xói mòn động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nguyên nhân khiến lạm phát kéo dài được cho là do sự gián đoạn nguồn cung, tình trạng thiếu hụt lao động cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn các thành viên vẫn duy trì nhận định áp lực tăng giá chỉ là vấn đề tạm thời của nền kinh tế. 

Thị trường lao động và lạm phát là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Fed. Trong tuyên bố hôm 22/9, ông Powell cũng nhấn mạnh Fed đang tiến gần hơn đến việc đạt được các mục tiêu về “tiến bộ đáng kể” liên quan đến cả lạm phát và việc làm - hai điều kiện tiên quyết để cơ quan này đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay.

Cũng trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9, FOMC dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay có thể chỉ đạt 5,9%, thấp hơn mức dự báo 7% đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt 3,8%, tăng mạnh từ mức dự báo 3,3% trước đó và tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo đạt 2,5%, tăng nhẹ từ mức dự báo 2,4% trước đó.

Các dự báo cũng chỉ ra rằng FOMC đánh giá lạm phát có thể tăng cao hơn dự kiến trong năm nay. Cụ thể, lạm phát cơ bản dự báo tăng 3,7% trong năm nay, cao hơn mức 3% được đưa ra trong cuộc họp FOMC hồi tháng 6. Với năm 2022, lạm phát được dự báo ở mức 2,3% và năm 2023 là 2,2%, đều cao hơn 1% so với các dự báo hồi quý trước. 

Liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp, FOMC dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể giảm từ mức 5,2% hiện tại xuống 4,8% vào cuối năm nay. Kịch bản bi quan hơn so với dự báo hồi tháng 6 rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống 4,5% trong năm nay. Trước đó, báo cáo thị trường lao động tháng 8 đã gây thất vọng khi chỉ ra tăng trưởng việc làm trong toàn nền kinh tế chỉ đạt 235.000 công việc.


NTTD
Cùng chuyên mục