Fed phát tín hiệu thu hẹp gói mua tài sản 120 tỷ USD nhưng chưa sẵn sàng nâng lãi suất

19/08/2021 13:33 GMT+7
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Fed có thể sẽ sớm thu nhỏ quy mô gói mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD trước khi năm 2021 kết thúc, theo biên bản họp của Ủy ban Thị trường mở thuộc Fed vừa công bố.

Biên bản cuộc họp tháng 7 của FOMC vừa được công bố cho thấy Fed có kế hoạch thu hẹp quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá 120 tỷ USD hàng tháng trước cuối năm nay. Tuy nhiên, các quan chức Fed nhấn mạnh việc thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản không phải là dấu hiệu báo trước một đợt tăng lãi suất sắp xảy ra. Biên bản họp cũng ghi nhận một số thành viên thuộc Fed muốn đợi đến đầu năm 2022 mới bắt đầu quá trình thu hẹp gói 120 tỷ USD.

“Hầu hết các thành viên của FOMC đều cho rằng trong tình huống kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ đúng như họ kỳ vọng, các quan chức cho hay có thể bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản ngay trong năm nay” - biên bản họp nêu rõ. Đồng thời, biên bản cũng cho biết nền kinh tế hiện đã đạt đến mục tiêu lạm phát của Fed trong khi tốc độ tăng trưởng việc làm cũng tiến sát mức kỳ vọng. Tuy nhiên, tất cả các thành viên của FOMC đều nhất trí rằng nền kinh tế hiện chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Fed đặt ra để nâng lãi suất.

Fed phát tín hiệu thu hẹp gói mua tài sản 120 tỷ USD nhưng chưa sẵn sàng nâng lãi suất - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: CNBC)

Nhìn chung, biên bản họp của FOMC cho thấy Ngân hàng Trung ương lạc quan về triển vọng của nền kinh tế, nhưng vẫn tồn tại một số rủi ro nhất định có thể đe dọa đà tăng trưởng mạnh mẽ hiện tại. Hai vấn đề chính là lạm phát và sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Thị trường lao động và lạm phát là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Fed. Hôm 6/8, một báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy số lượng việc làm mới tạo ra trong nền kinh tế Mỹ trong tháng 7 đã tăng vọt 943.000 công việc, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế chung cũng như thị trường lao động.

Kể từ đó, sự mạnh mẽ của thị trường lao động đã thúc đẩy nhà đầu tư cho rằng Fed có thể sớm rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, và việc kết thúc chương trình mua tài sản 120 tỷ USD có thể là bước đầu tiên trước khi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất trở lại. Từ thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát tại Mỹ đến nay, Fed đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25% nhằm thúc đẩy thanh khoản, giảm chi phí vay, xoa dịu các tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng đại dịch. 

Trước đó, các quan chức Fed đã kiên định duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế ngay cả khi hàng loạt chỉ báo cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ hơn bao giờ hết và lạm phát thì tăng vượt dự kiến. Fed cho rằng các vấn đề lạm phát chỉ mang tính chất tạm thời, dù rằng CPI toàn phần của Mỹ trong tháng 6 đã tăng tới 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2008 đến nay. Con số này cũng cao hơn ước tính của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Dow Jones là 5%. 

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định Fed không có khả năng xem xét việc tăng lãi suất trở lại trong tình huống hiện tại, bất chấp niềm tin lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế. Hai tiêu chuẩn cơ bản mà Fed đặt ra trước khi quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ là sự “gia tăng đáng kể” về lạm phát và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động. Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ thỏa mãn cả hai điều kiện trên, Ngân hàng Trung Ương sẽ dần giảm tốc độ, tiến tới ngừng hẳn chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng và cuối cùng là tăng dần lãi suất. Nhưng tuyên bố gần đây của Fed chỉ ra rằng mới có sự “gia tăng” nhất định về các điều kiện này, và FOMC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc nâng lãi suất.

Thị trường hiện dự báo các đợt tăng lãi suất của Fed sẽ bắt đầu sớm nhất vào khoảng một năm nữa. Các nhà đầu tư kỳ vọng 50% cơ hội Fed tăng lãi suất trong khoảng tháng 11/2022.


NTTD
Cùng chuyên mục