Fed tăng lãi suất: Lo sức ép "dồn toa", chuyên gia dự báo "sốc" về thị trường chứng khoán

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 28/07/2023 08:26 AM (GMT+7)
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên cao nhất hơn 20 năm và ra tín hiệu thắt chặt thêm lần nữa trong năm nay. Tác động tới Việt Nam, chuyên gia lo ngại, sức ép "dồn toa" và đến một lúc nào đó sẽ bùng phát.
Bình luận 0

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) sau phiên họp chính sách kéo dài hai ngày vừa qua. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25-5,5% và là mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua.

Như vậy, sau một tháng tạm dừng, Fed đã nâng lãi suất trở lại. Đến nay, cơ quan này đã tăng lãi 11 lần kể từ tháng 3/2022, nhằm hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát của quốc gia này hiện vẫn còn cao gấp đôi so với mục tiêu 2%. Quan chức Fed dự báo, trong năm nay sẽ còn có thêm một lần nâng lãi suất.

Chuyên gia Chứng khoán Trần Hải Yến nhận định, đợt tăng lãi suất của Fed lần này nằm trong dự báo của thị trường, do đó những tác động đối với Việt Nam cũng đã được lường trước.

Fed tăng lãi suất: Lo sức ép "dồn toa", chuyên gia dự báo "sốc" về thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo hôm 26/7. Ảnh: AP

2 tác động từ Fed tăng lãi suất

Theo đó, 2 tác động đáng lưu ý nhất gồm: tỷ giá và dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Yến phân tích, việc Fed tăng lãi suất sẽ làm cho chênh lệch giữa lãi suất VND và USD lớn hơn. Đồng USD đang trở nên hấp dẫn hơn so với VND, từ đó làm giảm đi sức hút đối với luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và nguồn kiều hối cũng bị ảnh hưởng. Đồng thời, có thể có dòng tiền rút ra khỏi Việt Nam, bởi một lãi suất cao dòng vốn lại chảy ngược về Mỹ, không tìm đến các thị trường cận biên như Việt Nam. Điều này sẽ tạo nên sức ép tới tỷ giá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, theo bà Yến tỷ giá đang được ủng hộ bởi dòng tiền từ các giao dịch M&A. Do đó, tỷ giá vẫn tương đối ổn định.

Đối với bài toán xuất nhập khẩu, theo vị chuyên gia này, hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động trực tiếp đến tỷ giá. Hiện tại, tỷ giá chưa có biến động quá mạnh sau sự kiện Fed tăng lãi suất. Do đó, bà nhận thấy, chưa chưa có doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nhiều từ câu chuyện Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc Mỹ liên tục thắt chặt tiền tệ từ cuối năm 2022 tới nay; Fed tăng lãi suất ảnh hưởng tới đà hồi phục kinh tế của Mỹ, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái nhẹ. Điều này khiến cho cầu của thế giới yếu đi. Trong khi đó, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn (tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP tương ứng khoảng 200%), khi các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Trung Quốc, EU,... suy yếu, chắc chắn xuất khẩu bị ảnh hưởng. Hay nói cách khác, lãi suất tăng là nguyên nhân sâu xa làm thời gian qua số đơn hàng của Việt Nam sụt giảm mạnh, nhiều nhà máy đóng cửa và sa thải công nhân.

Fed tăng lãi suất và ra tín hiệu thắt chặt: Lo ngại sức ép "dồn toa"

Trước dự báo, Fed sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất từ nay tới cuối năm, chuyên gia Chứng khoán Trần Hải Yến cho rằng, Fed điều hành dựa hoàn toàn vào lạm phát và thị trường lao động. Nếu cảm thấy lạm phát vẫn ở mức cao một cách "lì lợm", không hạ xuống mức mục tiêu 2%, và nguy cơ bùng phát lạm phát hiện hữu, Fed hoàn toàn có thể nâng lãi suất từ giờ tới cuối năm. Ngược lại, nếu lạm phát trong các tháng tới hạ nhiệt, Fed sẽ không tăng lãi suất. Về phía Việt Nam, bà Yến cho rằng, về cơ bản chúng ta không muốn Fed nâng thêm lãi suất vào bất kể thời điểm sau khi tăng 0,25% trong cuộc họp tháng 7 này. Lý do, nếu cơ quan này nâng lãi suất, những rủi ro liên quan đến tỷ giá và đảo chiều của dòng vốn ngoại của Việt Nam sẽ nặng nề hơn, chịu sức ép lớn hơn.

Nhìn lại hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua có thể thấy, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã "ngược chiều" kể từ đầu năm đến nay, khi Fed vẫn tăng lãi suất nhưng NHNN liên tiếp và dồn dập hạ lãi suất, thậm chí có thể còn tiếp tục giảm để "cứu" kinh tế. Việc Việt Nam đảo chiều chính sách sớm, theo bà Yến là vì sức ép suy thoái của kinh tế Việt Nam đến nhanh hơn so với Mỹ, vì vậy Ngân hàng Nhà nước phải hành động sớm hơn. Hành động sớm hơn sẽ có rủi ro và rủi ro chính ở đây chính là mất đi sức hấp dẫn trong mắt của nhà đầu tư nước ngoài cũng như áp lực tỷ giá có thể "dồn toa" vào cuối năm.

Phải nói thêm rằng, mục tiêu ưu tiên của Chính phủ chính là tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế mới chỉ đạt 3,72%. Vì vậy, chính sách tiền tệ hiện tại cũng đang ưu tiên "cứu" doanh nghiệp, "hà hơi thổi ngạt cho nền kinh tế", còn hệ quả là áp lực tỷ giá, hay đảo chiều dòng vốn,… khi đó sẽ xử lý sau, theo bà Yến.

"Không như Fed, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn trong bối cảnh hiện nay vì tính độc lập không có và đang phải giải quyết bài toán ngắn hạn trước. Đến một lúc nào đó, sức ép tỷ giá lớn, lạm phát cao, khi đó Ngân hàng Nhà nước sẽ quay lại đợt tăng lãi suất, thắt chặt thanh khoản", bà Trần Hải Yến cho hay.

Fed tăng lãi suất: Lo sức ép "dồn toa", chuyên gia dự báo "sốc" về thị trường chứng khoán - Ảnh 3.

Fed tăng lãi suất: Lo sức ép "dồn toa", chuyên gia dự báo "sốc" về thị trường chứng khoán.

Chứng khoán có thể lên tới 1.280 – 1.300 nhờ "tiền rẻ"

Đối với các kênh tài sản, bà Yến cho rằng, thị trường chứng khoán chắn chắn hưởng lợi bất chấp việc Fed nâng lãi suất. Bởi trên thực tế, giai đoạn này thị trường chứng khoán ảnh hưởng bởi kỳ vọng và dòng tiền quay lại thị trường, trong đó có làn sóng dịch chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang chứng khoán, nhiều hơn là những tin tức liên quan đến Fed.

Như vậy, chứng khoán đang hấp dẫn trở lại trong môi trường lãi suất trong nước thấp. Theo dự báo của bà Yến, hiện Vn-Index đang ở vùng điểm 1.200, từ nay tới cuối năm có thể lên tới 1.280 – 1.300 điểm (kịch bản lạc quan). Tất nhiên, tại ngưỡng 1.200 điểm, thị trường có thể có những rung lắc trong một số phiên nhưng về cơ bản dòng tiền đang khỏe, margin vào thị trường chưa căng và tài khoản mở mới đang tăng; đồng thời, thị trường chưa có phiên bùng nổ thanh khoản thể hiện thị trường đang phân phối hay dòng tiền rút ra cho nên thị trường vẫn đang ổn, trong ngắn hạn 1 - 2 tuần tới chưa có dấu hiệu quá xấu cho thị trường.

Đối với các nhóm cổ phiếu, bà Yến cho rằng ngoài các nhóm cổ phiếu truyền thống là bank, chứng, thép, các nhóm cổ phiếu có câu chuyện như đầu tư công, dầu khí vẫn là nhóm cổ phiếu đang được thị trường kỳ vọng, dù các nhóm này đã tăng tương đối mạnh từ đầu năm đến nay.

Riêng về nhóm cổ phiếu chứng khoán, vị chuyên gia này cho biết khi trường tốt, thanh khoản tăng, danh mục tự doanh ổn, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng sẽ là nhóm "leader" của thị trường. Nhóm bán lẻ cùng kỳ vọng phục hồi và đã phiên tăng mạnh trong các phiên gần đây.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem