Tổng thống Trump "ra đòn" thuế quan: Việt Nam đối mặt ba kịch bản thương mại
Trong giai đoạn tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất áp dụng mức thuế quan phổ biến mới từ 10% đến 20% đối với tất cả các hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Trump đe dọa áp thuế ít nhất 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, đề xuất áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico.
Đáng chú ý, ông Trump còn đe dọa khả năng áp thuế 100% đối với khối các nước BRICS nếu họ có ý định sử dụng một đồng tiền khác nhằm thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế.
Ngày đầu nhậm chức của ông Donald Trump – Nhiệm kỳ thứ 2 tại Nhà Trắng (20/1), ông đã bãi bỏ 78 lệnh hành pháp của những người tiền nhiệm, tuy nhiên, không lệnh bãi bỏ nào liên quan đến việc áp thuế quan.
Cũng trong cùng ngày, ông ban hành Chính sách Thương mại nước Mỹ trên hết, bao gồm các giải pháp khắc phục vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ với các quốc gia.
Ngày 01/02/2025, lệnh áp thuế đối với Mexico, Canada và Trung Quốc đã được ban hành. Cụ thể, Mexico bị áp thuế 25% kể từ ngày 04/02/2025. Canada cũng phải đối mặt với mức thuế 25%, tuy nhiên các mặt hàng năng lượng hoặc tài nguyên năng lượng chỉ chịu thuế suất 10%, áp dụng từ cùng ngày. Đối với Trung Quốc, mức thuế 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 10/02/2025.
Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, vào ngày 03/02/2025, chính quyền Mỹ đã thông báo hoãn thi hành lệnh áp thuế đối với Mexico và Canada, lùi thời hạn thi hành sang ngày 04/03/2025.
Ngày 04/02/2025, Trung Quốc tiến hành trả đũa bằng cách áp thuế bổ sung 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại máy móc; 15% đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), than và một số mặt hàng khác, với hiệu lực từ ngày 10/02/2025.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu các khoáng chất quan trọng phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao và bắt đầu điều tra các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Google và Nvidia.
Trước động thái thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích nghiên cứu tại BSC đã đưa ra 3 kịch bản thuế
quan và dự báo ảnh hưởng tới Việt Nam.

Trong kịch bản tích cực, ông dự kiến Mỹ áp thuế phổ thông 10% đối với tất cả các nước. Đối với Canada và Mexico, Mỹ áp thuế trong khoảng 10% - 25% với tốc độ leo thang dần dần. Đối với Trung Quốc, Mỹ áp thuế ở mức 10% và duy trì tốc độ leo thang từ từ. Trong khi đó, Việt Nam không bị Mỹ áp thuế.
Ở kịch bản cơ sở, Mỹ vẫn áp thuế phổ thông 10%. Tuy nhiên, Canada và Mexico chịu mức thuế 25% với tốc độ leo thang dần dần. Trung Quốc có thể chịu mức thuế dao động từ 10% - 60% tùy nhóm hàng, tốc độ leo thang không thay đổi. Việt Nam chịu áp lực từ Mỹ trong việc giảm thuế đối ứng.
Trong kịch bản tiêu cực, Mỹ vẫn duy trì mức thuế phổ thông 10%, nhưng mức thuế áp lên Canada và Mexico vẫn là 25% với tốc độ leo thang nhanh hơn. Trung Quốc có thể chịu thuế 60% hoặc cao hơn với tốc độ leo thang nhanh. Việt Nam không tránh khỏi thuế khi bị áp mức 10% - 20%.
Dự báo về ảnh hưởng đối với Việt Nam, tại kịch bản cơ sở, theo ông Long việc nâng thuế quan làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế do giá hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào tăng, kéo theo gia tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp và kế hoạch mở rộng sản xuất.
Cùng với đó, giá hàng hóa tăng gây áp lực lên lạm phát, làm suy yếu sức ép lạm phát ngắn hạn đối với chính sách điều hành kinh tế, đồng thời hạn chế hỗ trợ tổng cầu nền kinh tế. Thuế quan cũng làm kéo theo sự trả đũa với hàng hóa xuất khẩu, tạo tác động tiêu cực lên doanh nghiệp và thị trường lao động. Theo nghiên cứu của Tax Foundation, việc nâng thuế quan có thể làm giảm sản lượng kinh tế dài hạn trong khoảng từ 0,4% đến 1,7%.

Rủi ro thương mại toàn cầu sẽ gia tăng mạnh dưới thời Tổng thống Trump.
Về đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), ông duy trì quan điểm Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, thu hút dòng vốn FDI nhờ các yếu tố như xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc theo mô hình “Trung Quốc + 1”, cùng với môi trường kinh doanh thuận lợi và mức thuế thấp từ Chính phủ Việt Nam.
Đặc biệt, khi tình hình chính trị ổn định, các hiệp định song phương và đa phương với nhiều quốc gia giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư vào Việt Nam, bao gồm Nvidia, Amkor, Hyosung,...
Dựa trên các kịch bản cơ sở, thương mại Việt Nam nhiều khả năng sẽ đối mặt với những thách thức chung như tăng trưởng kinh tế chậm lại do căng thẳng thương chiến khiến dòng vốn đầu tư giảm sút. Đồng thời, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng.
Tuy
nhiên, so với những lần trước đây khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, các mặt
hàng Việt Nam hiện nay ít nằm trong danh sách trừng phạt hơn, giúp giảm rủi ro.
Việt Nam cũng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong mối quan hệ đối
tác chiến lược với Hoa Kỳ.
Về tỷ giá, thuế quan ngay lập tức ảnh hưởng đến lạm phát, tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, trong dài hạn, chi phí đầu vào tăng sẽ bị hạn chế bởi sức cầu giảm, không dẫn đến thay đổi đáng kể trong lạm phát trung hạn, từ đó khó khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ điều chỉnh chính sách lãi suất.
Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ rút mạnh khỏi Trung Quốc đạt mức kỷ lục, tỷ giá giảm sâu, nhưng do Trung Quốc không cần thiết phải phá giá tiền tệ như năm 2018 nên hưởng lợi nhiều hơn trong thương mại.