Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm
Ngày 2/11 (theo giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Như vậy, ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất điều hành tổng cộng 3,75 điểm phần trăm kể từ đầu năm. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7 và tháng 9, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Việc Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 4 liên tiếp đã được giới đầu tư dự đoán từ trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây sẽ là lần nâng lãi suất 75 điểm cơ bản cuối cùng của ngân hàng trung ương Mỹ trong chu kỳ tăng lãi suất này.
Giới quan sát dự báo Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 12. Theo định giá của thị trường, khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12 là 60%.
Khi Fed tăng phạm vi lãi suất cơ bản, lãi suất đối với các khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay khác cũng tăng theo. Chi phí đi vay cao hơn có xu hướng làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế do các hộ gia đình và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.
Lần tăng lãi suất mới nhất của Fed sẽ gây thêm áp lực tài chính lớn hơn đối với nền kinh tế Mỹ mà một số chuyên gia tin rằng đang trên đà suy thoái. Việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút lại kế hoạch đầu tư, hai yếu tố chính có thể làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Lãi suất cao hơn của Fed cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, điều này có thể ảnh hưởng đến nước Mỹ. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao do thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ giúp hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng và các cú sốc về nguồn cung - đặc biệt là xung đột ở Ukraine- đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên cao hơn.
Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Fed sẽ có cách để tăng lãi suất dưới mức 0,75 điểm phần trăm nhưng không tạo ra sự lạc quan thái quá trên thị trường
Ông Rick Rieder, Giám đốc đầu tư thu nhập cố định toàn cầu của BlackRock
Fed đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ một số nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các nhà lập pháp đảng Dân chủ, phải làm chậm lại kế hoạch tăng lãi suất của mình trong bối cảnh các dấu hiệu về suy thoái kinh tế ngày càng tăng.
Các nhà lãnh đạo Fed đã khẳng định trong nhiều tháng rằng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát có dấu hiệu giảm xuống mức mục tiêu 2% hàng năm của Fed. Nhưng tuyên bố của FOMC công bố đợt tăng lãi suất mới nhất cũng gợi ý về tốc độ tăng lãi suất chậm hơn trong tương lai.
Các quan chức FOMC hôm thứ Tư cho biết sẽ xem xét "việc thắt chặt dần chính sách tiền tệ, những điểm mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát, cũng như diễn biến kinh tế và tài chính" khi quyết định tăng lãi suất trong tương lai.
Nói một cách đơn giản, các quan chức Fed sẽ suy nghĩ về việc họ đã tăng lãi suất nhanh như thế nào, việc tăng lãi suất đó có thể mất bao lâu để ảnh hưởng đến lạm phát và phản ứng của nền kinh tế.
Mặc dù đó là tất cả các yếu tố mà Fed nên xem xét, nhưng việc đưa chúng vào tuyên bố hôm thứ Tư là một sự thừa nhận đáng chú ý về những rủi ro mà Fed phải đối mặt khi ứng phó lạm phát tăng cao.