Gần chạm mốc 10 tỷ USD, xuất khẩu của ngành gỗ bỗng rơi cảnh éo le
Gần chạm mốc 10 tỷ USD, xuất khẩu của ngành gỗ bất ngờ rơi cảnh éo le
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý II/2022 đạt 4,4 tỷ USD, giảm 0,4% so với quý 2/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ trong quý II/2022 đạt 3,06 tỷ USD, giảm 11,5% so với quý 2/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,06 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường: Trong nửa đầu năm 2022, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường châu Mỹ, với trị giá chiếm 60,8% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021, do trị giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm. Nền kinh tế Hoa Kỳ đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đang có xu hướng giảm, tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường này.
Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới khu vực châu Á chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu các châu lục, và tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này đang có xu hướng tăng khả quan. Tiếp theo là các khu vực khác như châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi.
Về mặt hàng: Đồ nội thất là nhóm hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đạt 5,5 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nhóm mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Mỹ, với tỷ trọng chiếm 80,6% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, đạt 4,4 tỷ USD, giảm 5,7%; Tiếp theo là khu vực châu Á đạt 530,9 triệu USD, giảm 11,7%. Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang các khu vực như châu Đại Dương và châu Phi chỉ chiếm tỷ trọng thấp, nhưng lại tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang châu Đại Dương tăng 6,6% và châu Phi tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp theo là mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch đạt 1,17 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ tới khu vực châu Á chiếm 99,6% tổng trị giá xuất khẩu dăm gỗ trong nửa đầu năm 2022. Mặt hàng gỗ, ván và ván sàn là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong nửa đầu năm 2022, đạt 1,09 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn tới khu vực châu Á và châu Mỹ chiếm 93,9% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng gỗ, ván và ván sàn.
10 thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới, thị phần của Việt Nam ở đâu?
Theo Trung tâm nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), thị trường đồ nội thất thế giới đạt khoảng 500 tỷ USD trong năm 2021, đạt mức tiêu thụ cao hơn nhiều so với trước đại dịch.
Trong số 10 thị trường nhập khẩu đồ nội thất hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ, Đức, Anh và Pháp chiếm khoảng 1/3 lượng tiêu thụ đồ nội thất thế giới. 5 tháng đầu năm 2022, 4 quốc gia này tiếp tục là những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất trên thị trường thế giới, đạt 13,5 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ, chiếm 36,9% tổng trị giá nhập khẩu vào thị trường này. Các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là các sản phẩm giá thấp, nhưng lạm phát tăng cao ở Hoa Kỳ đang ảnh hưởng lớn tới những người có thu nhập trung bình và thấp. Việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng đang tác động tới nhu cầu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ.
Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức từ Việt Nam chỉ chiếm 3,8% về trị giá. Thị phần nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam của Đức vẫn còn tương đối nhỏ trong tổng nhập khẩu.
Anh là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 thế giới, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Anh tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022, đạt 2,4 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Pháp là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 4 trên thị trường thế giới, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp cũng luôn ở mức cao. Trong giai đoạn năm 2017 – 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp trung bình đạt 3,9 tỷ USD/năm, tăng trưởng bình quân 8,5%/năm. 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp đạt 2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp từ Việt Nam chỉ chiếm 4,8% trong tổng nhập khẩu, vẫn còn rất thấp so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường.