Gặp khó ở Trung Quốc, Tesla muốn xây nhà máy xe điện ở Nga?
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến ở Nga, ông chủ Tesla Elon Musk cho biết hãng khởi nghiệp xe điện đã có những nhà máy sản xuất quan trọng ở Trung Quốc và Mỹ, nhưng đang xem xét việc ở thêm các cơ sở sản xuất ở những địa điểm khác trên toàn cầu. Trong đó, Nga được nhắm đến như một lựa chọn đang được cân nhắc.
Tuyên bố được đưa ra ít lâu sau khi các phương tiện truyền thông cho biết Tesla đã tạm dừng kế hoạch mua thêm đất để mở rộng nhà máy ở Thượng Hải nhằm biến cơ sở này thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe điện Tesla toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khi mức thuế 25% với xe điện nhập khẩu Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Trump vẫn được duy trì trong nhiệm kỳ của ông Biden, Tesla hiện có ý định hạn chế tỷ trọng sản lượng xe điện sản xuất tại Trung Quốc, trích hai nguồn tin thân cận của Reuters.
Tesla trước đó đã xem xét mở rộng sản xuất dòng xe điện Model 3 hiện đang được thực hiện ở Trung Quốc sang nhiều thị trường hơn, bao gồm cả Mỹ, các nguồn tin cho biết. Tesla cũng được cho là đang vận chuyển những chiếc xe điện Model 3 do Trung Quốc sản xuất sang châu Âu, nơi một nhà máy Tesla ở Đức đang được xây dựng. Mới đây nhất, phát ngôn của ông chủ Tesla tiết lộ hãng xe điện đang xem xét ý định đặt một nhà máy ở Nga.
Nhà máy ở Thượng Hải của Tesla được thiết kế để sản xuất 500.000 xe mỗi năm và hiện đang sản xuất 2 dòng xe Model 3 và Model Y với sản lượng 450.000 chiếc mỗi năm. Vào tháng 3, Tesla đã từ chối đấu thầu một khu đất đối diện với nhà máy này do thay đổi chiến lược kinh doanh, không còn thúc đẩy năng lực sản xuất tại Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại. Khu đất có diện tích khoảng 40ha sẽ cho phép công ty nâng công suất sản xuất thêm 200.000-300.000 xe mỗi năm nếu được khai thác. Các tài liệu xây dựng được đăng trên một trang web của chính phủ trước đây cho thấy Tesla đang sửa sang lại nhà máy của mình ở Thượng Hải để tăng thêm công suất.
Có dấu hiệu cho thấy Tesla đang lọt vào tầm ngắm của chính phủ Bắc Kinh khi cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài. Hồi giữa tháng 3, hàng loạt trang tin tức lớn như Reuters và Bloomberg đồng loạt đưa tin quân đội Trung Quốc đã cấm các phương tiện sản xuất bởi Tesla ra vào các khu phức hợp quân đội do lo ngại tính bảo mật của hệ thống camera trong phương tiện. Tờ Wall Street Journal thì cho biết Bắc Kinh muốn hạn chế "quân nhân và nhân viên tại các công ty quốc doanh chủ chốt" sử dụng ô tô điện Tesla, cũng do quan ngại rò rỉ dữ liệu an ninh quốc gia.
Để chứng minh sự minh bạch của sản phẩm, CEO Tesla Elon Musk đã phải lên tiếng tuyên bố “Nếu Tesla sử dụng ô tô điện để do thám ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào khác, chúng tôi sẽ đóng cửa doanh nghiệp”.
Vụ việc này chưa qua, đúng 1 tháng sau đó, Tesla lại bị cuốn vào bê bối mới ở Trung Quốc khi một phụ nữ tự nhận là khách hàng của Tesla đã xuất hiện tại một triển lãm ô tô Thượng Hải, tố phanh của xe điện Tesla không hoạt động. Đây là tình trạng chung mà nhiều người phản ánh trên mạng xã hội Trung Quốc trong vài tháng qua. Người phụ nữ sau đó bị giam giữ 5 ngày vì gây rối trật tự công cộng.
Cách làm của Tesla đã gây ra cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng tồi tệ. Tesla cáo buộc người phụ nữ này liên quan đến một vụ va chạm vào tháng 2 do “vi phạm tốc độ”. Theo Tesla, trong suốt 2 tháng đàm phán về vụ việc, người này không cho phép bên thứ ba kiểm tra tình trạng xe nhưng yêu cầu bồi hoàn toàn bộ trị giá chiếc xe.
Cả truyền thông nhà nước và các cơ quan chính phủ đã nhanh chóng chỉ trích Tesla về “lập trường ngạo mạn” không thể chấp nhận được. Điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và cơ sở khách hàng của công ty tại thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, bài báo đăng trên tờ Thời báo hoàn cầu - cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc giật tit “Ba bài học Tesla phải học” khuyên nhà sản xuất ô tô điện có trụ sở tại Mỹ không nên “kiêu ngạo” và phải học cách “tôn trọng” thị trường tiêu dùng Trung Quốc. “Lập trường kiêu ngạo mà Tesla thể hiện trước công chúng là đáng chê trách và không thể chấp nhận được”.
Tesla sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi trong một tuyên bố vì không giải quyết kịp thời các vấn đề của chủ sở hữu xe. Trong các bài đăng sau đó, Tesla cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với các nhà chức trách để giải quyết những nghi vấn về chất lượng xe.
Các luồng nghị luận tiêu cực về Tesla ở Trung Quốc đã tăng lên trong vài tháng qua. Đầu năm nay, một chiếc Tesla Model 3 được cho là đã bất ngờ phát nổ trong một bãi giữ xe ở Thượng Hải. Một bài báo khác cho biết đã có ít nhất 10 vụ việc xe điện Tesla mất phanh, mất kiểm soát trong năm 2020.