Maybank KimEng: Đà tăng trưởng GDP Việt Nam còn nguyên bất chấp làn sóng dịch thứ 3

05/03/2021 09:19 GMT+7
Các nhà nghiên cứu từ MayBank KimEng (MBKE) mới đây vừa công bố báo cáo kinh tế Việt Nam trong tháng 2, dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế 2021 còn nguyên bất chấp làn sóng dịch thứ 3.

 Dự báo GDP Việt Nam quý I/2021 tăng 5,5%

Các nhà phân tích MBKE duy trì dự báo về đà phục hồi kinh tế Việt Nam do triển vọng sản xuất và xuất khẩu, bất chấp đợt bùng phát đại dịch Covid-19 trong thời gian gần đây. “Làn sóng bùng phát dịch lần ba có thể làm suy giảm đà tăng trưởng quý I trong ngắn hạn, nhưng sẽ không làm lệch hướng đà phục hồi chung” - báo cáo của MBKE nhấn mạnh. Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt với số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm xuống mức trung bình 10 ca/ ngày (tính đến cuối tháng 2) so với mức cao nhất 98 ca/ ngày ở thời điểm nóng.

Maybank KimEng: Đà tăng trưởng GDP Việt Nam còn nguyên bất chấp làn sóng dịch thứ 3 - Ảnh 1.

Số ca nhiễm mới Covid-19 giảm mạnh trong những ngày qua là dấu hiệu của sự kiểm soát dịch bệnh

Doanh số bán lẻ tăng 8,2% trong tháng 2 từ mức 3,1% hồi tháng 1. Về mặt giá trị, doanh số bán lẻ vẫn giảm khoảng 2,5% so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, do doanh số từ dịch vụ ăn uống và lưu trú giảm mạnh 18%. MBKE dự báo các dịch vụ liên quan đến vận tải và du lịch dễ chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh trong quý I.

MBKE vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,8% cho Việt Nam. Riêng quý I, dự báo tăng trưởng GDP 5,5%, tăng từ con số 4,5% hồi quý IV/2020. Dự kiến NHNN vẫn duy trì mức lãi suất tái cấp vốn ổn định ở khoảng 4% trong suốt năm nay để hỗ trợ nền kinh tế. Dự báo tỷ giá USD/ VND duy trì quanh mức 22.500 VND đổi 1 USD vào cuối năm 2021.

Sản xuất công nghiệp suy yếu do kỳ nghỉ Tết

Báo cáo của MBKE chỉ ra rằng sản lượng công nghiệp của Việt Nam đã suy giảm 7,2% trong tháng 2, đảo ngược mạnh mẽ so với mức tăng trưởng 22,5% đạt được hồi tháng 1. Nguyên nhân chủ yếu là do kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài 1 tuần trong tháng làm rút ngắn số ngày làm việc.

Lĩnh vực sản xuất cũng ghi nhận mức giảm 5,8% trong tháng 2, chủ yếu do sản xuất phi điện tử suy yếu gần như toàn diện: gỗ và sản phẩm gỗ giảm 15%, dệt may tụt dốc 15,3%, phương tiện vận tải giảm 16,1% và nhóm sản phẩm khác giảm -54,9%; duy chỉ có kim loại cơ bản là ngoại lệ duy nhất với mức tăng trưởng 8,6%. Sản xuất điện tử tăng trưởng 3,2% bù đắp vào mức giảm mạnh của sản xuất phi điện tử. Tuy nhiên, số ngày làm việc ngắn hơn trong tháng vẫn khiến mức tăng chung của lĩnh vực sản xuất điện tử tụt mạnh so với mức 39,7% ghi nhận trong tháng 1. Tính chung trong hai tháng đầu năm, sản xuất điện tử tăng 21,2%, nhanh hơn tốc độ 13,4% trong cùng kỳ năm 2020.

Cán cân thương mại thâm hụt trong tháng 2

Theo các nhà phân tích MBKE, kim ngạch xuất khẩu của nước ta giảm 4,7% trong tháng 2 từ mức tăng 55,1% trong tháng 1, cũng do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán làm giảm lượng hàng xuất xưởng. Mức giảm chủ yếu đến từ các ngành xuất khẩu điện thoại di động (-34,3%), dệt may (-6,4%) và giày dép (-1,1%). Bù lại, xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử tăng 9,1% còn xuất khẩu máy móc thiết bị tăng 31,4%. 

MBKE tiếp tục duy trì dự báo triển vọng tích cực cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay, do ngành này hầu như không chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 dẫn đến giãn cách xã hội ở trong nước cũng như nhiều thị trường đối tác thương mại quốc tế. 

Ước tính sơ bộ của MBKE cho thấy kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng với các thị trường như Mỹ (+9,2%), Trung Quốc (+39%) và Hàn Quốc, nhưng giảm ở hàng loạt thị trường lớn khác như ASEAN (-20,3%) và Nhật Bản (-5,8%) do ảnh hưởng của mức giá cơ bản cao và kỳ nghỉ Tết. 

Kim ngạch nhập khẩu có giảm so với tháng 1 nhưng vẫn ở mức tăng trưởng 10,5%, qua đó đưa cán cân thương mại xuống mức thâm hụt 800 triệu USD so với thặng dư 2,1 tỷ USD trong tháng 1/2021.

Lạm phát tăng

Maybank KimEng: Đà tăng trưởng GDP Việt Nam còn nguyên bất chấp làn sóng dịch thứ 3 - Ảnh 3.

Lạm phát toàn phần phục hồi về 0,7% trong tháng 2 trong khi lạm phát lõi đạt mức 0,8%

Lạm phát toàn phần phục hồi từ mức -1% trong tháng 1 lên 0,7% trong tháng 2, dẫn đầu bởi giá lương thực tăng 2,4% do nhu cầu mạnh dịp Tết Nguyên đán cũng như giá xuất khẩu gạo cao hơn. Chi phí nhà ở, xây dựng cũng tăng 0,3%. Trong khi đó, lĩnh vực giao thông vận tải tiếp tục chứng kiến giảm phát thu hẹp về mức -6,6% từ mức -10,3% hồi tháng 1 do hai lần giá xăng tăng. 

Lạm phát lõi đạt mức 0,8%, tăng từ mức 0,5% trong tháng 1, cho thấy nhu cầu cơ bản được cải thiện.

MBKE nâng dự báo chỉ số lạm phát CPI bình quân lên mức 3,5% trong năm 2021, có tính đến mức tăng giá hàng hóa và năng lượng toàn cầu. 

Việt Nam đã nhận được lô 117.000 liều vắc xin AstraZeneca đầu tiên vào ngày 24/2 và dự kiến sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng Covid-19 vào tháng 3 tới, đối tượng đầu tiên là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.

Hiện Việt Nam đã đặt mua 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, tính cả mua trực tiếp và phân phối quan liên minh vắc xin COVAX. Nước ta cũng đang đàm phán mua hai loại vắc xin khác là Pfizer và Sputnik V để nâng nguồn cung vắc xin lên 150 triệu liều vào năm 2022. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 16 triệu người (tương đương 16,7% dân số) đến quý III năm nay. Theo MBKE, Việt Nam có thể đạt miễn dịch bầy đàn sớm nhất vào nửa đầu năm sau.


NTTD
Cùng chuyên mục