GDP bình quân trong nửa cuối năm 2020 ở mức khoảng 6,87%

14/07/2020 13:10 GMT+7
Theo SSI Research, tăng trưởng cao về đầu tư công sắp tới là động lực duy nhất cho tăng trưởng trong năm 2020. Cụ thể, ước tính tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ sở ở mức 4,75%, tương ứng tăng trưởng GDP bình quân trong nửa cuối năm 2020 phải ở mức khoảng 6,87% so với cùng kỳ, để đạt mức GDP là 4,75% cho cả năm 2020…
GDP bình quân trong nửa cuối năm 2020 ở mức khoảng 6,87% - Ảnh 1.

Theo dự báo, tăng trưởng GDP bình quân trong nửa cuối năm 2020 phải ở mức khoảng 6,87% so với cùng kỳ, để đạt mức GDP là 4,75% cho cả năm 2020 (Ảnh: Internet)

Bộ phận phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có những ước tính về các chỉ số vĩ mô cho kinh tế Việt Nam trong năm 2020. 

Theo SSI Research, tăng trưởng GDP trong quý 2/2020 đạt kết quả tích cực với mức tăng 0,36% so với cùng kỳ (vượt ước tính của Bloomberg là -0,9%). Trong khi ngành dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề (-1,76%), ngành nông nghiệp và công nghiệp (lần lượt tăng 1,72% và 1,38%) đã giúp GDP tổng thể tăng trưởng âm trong quý.

Về sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng gần như không đổi (+0,04%), trong khi tích lũy tài sản (+ 2,3%) là động lực tăng trưởng chính.

Về khía cạnh tiêu dùng, doanh số bán lẻ đã tăng trở lại trong tháng 6 (+5,3% so với cùng kỳ) sau khi giảm 3 tháng liên tiếp. Đối với hoạt động đầu tư (+3,4% trong 6T2020), dữ liệu cho thấy đầu tư công đang dẫn đầu (+7,4% YoY). Dữ liệu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khá ấn tượng (tháng 6/2020 tăng 28,5%, 6T2020 tăng 19,2%, trong khi số liệu năm 2019 chỉ là 4,2% - 4,4%).

Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã có sự cải thiện rõ rệt trong tháng 6, khi vốn FDI giải ngân tăng 8,33% so với cùng kỳ (tương đương 1,95 tỷ USD). Đây là mức tăng trưởng dương đầu tiên kể từ tháng 2/2020. Kết quả này có thể do nới lỏng các thủ tục cho phép các chuyên gia/doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam. 

Vốn FDI đăng ký không thay đổi trong tháng (1,27 tỷ USD, + 0,43%), mặc dù có một số dự án đáng chú ý như dự án nhà máy dệt kim Texhong (tại Quảng Ninh, 214 triệu USD) hoặc nhà máy dệt USI ở Hải Phòng (từ Trung Quốc, 200 triệu USD).

GDP bình quân trong nửa cuối năm 2020 ở mức khoảng 6,87% - Ảnh 2.

Nguồn vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2020 (Nguồn: SSI)

Đối với hoạt động thương mại, xuất khẩu tháng 6 giảm (chỉ giảm -2%), sau khi giảm 14-15% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là số liệu ước tính, vì vậy vẫn cần chờ dữ liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan.

"Tuy nhiên, chỉ số CPI làm xuất hiện một số lo ngại. Cụ thể, CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5 (trung bình tăng 4,19% so với cùng kỳ và giảm 0,59% kể từ đầu năm), dẫn đầu là giá thịt lợn và giá xăng tăng trở lại. Nhiều áp lực về giá còn ở phía trước, vì giá điện có thể trở lại bình thường sau thời gian 3 tháng tạm thời giảm 10% để hỗ trợ nền kinh tế", SSI Research, đánh giá.

Nhìn chung, sau khi sụt giảm trong tháng 4, dữ liệu vĩ mô của Việt Nam cho thấy một số cải thiện trong tháng Năm (so với tháng 4) và tăng trưởng trong tháng Sáu (so với cùng kỳ năm trước). Dữ liệu này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục. 

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng GDP theo giá so sánh 2010 là +1,81% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ (ban đầu: 6,8-7%; mục tiêu danh nghĩa, đề xuất mới: 4-5%). Mặc dù vậy, Việt Nam có thể vẫn vượt trội hơn so với các nước khác trên thế giới.

Vì vậy, với tăng trưởng tín dụng ở mức thấp (+2,45% tính đến 19/6/2020, trong khi giai đoạn 2016-2019: 6,2-7,54%), cho thấy nhiều dư địa tăng ở phía trước. Theo đó, tăng trưởng cao về đầu tư công sắp tới là động lực duy nhất cho tăng trưởng trong năm 2020, với ước tính tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ sở ở mức 4,75%, tương ứng tăng trưởng GDP bình quân trong nửa cuối năm 2020 ở mức khoảng 6,87% YoY, để đạt mức GDP là 4,75% cho cả năm 2020.

"Nếu ước tính này bằng hoặc sát với kết quả thực tế, GDP năm 2020 của Việt Nam sẽ cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới", SSI Research, dự báo.


Quốc Hải
Cùng chuyên mục