GDP Mỹ quý III tăng chưa từng có: thêm một thắng lợi phút chót cho TT Trump

30/10/2020 07:45 GMT+7
Nền kinh tế Mỹ vừa chứng kiến mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong quý III khi các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19.
GDP Mỹ quý III tăng chưa từng có: thêm một thắng lợi phút chót cho TT Trump  - Ảnh 1.

GDP Mỹ quý III tăng kỷ lục 33,1%: một thắng lợi phút chót cho TT Trump

Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/10, tăng trưởng GDP nền kinh tế Mỹ quý III đạt 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử nước Mỹ và gần gấp đôi mức tăng trưởng kỷ lục trước đó là 16,7% vào năm 1950, tức hậu Thế chiến II. Mức tăng này cũng vượt dự báo của các nhà kinh tế Refinitiv là 31%.

Tăng trưởng GDP Mỹ quý III được thúc đẩy bởi sự hồi sinh trở lại của chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng góp tới 2/3 động lực GDP nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Chi tiêu cá nhân tăng 40,7%, mức tăng kỷ lục so với một quý trước đó. Đầu tư kinh doanh cũng tăng mạnh.

Tuy vậy, con số màu hồng này vẫn không thể che khuất bức tranh toàn cảnh rằng nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến GDP -31,4% trong quý trước, mức giảm mạnh chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Cho đến nay, GDP Mỹ vẫn giảm tốc 3,5% so với thời điểm cuối năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất. Theo thống kê từ Đại học John Hopkins, nước Mỹ hiện có hơn 9 triệu ca nhiễm Covid-19 và ít nhất 227.000 người tử vong.

Justin Wolfers, nhà kinh tế học của Đại học Michigan trả lời tờ Fox Business nhận định: “Nền kinh tế Mỹ trong quý III vẫn còn kém xa thời điểm trước đại dịch Covid-19. Bất chấp mức tăng trưởng GDP kỷ lục vừa đạt được, Mỹ vẫn chìm trong một cuộc suy thoái rất sâu tương tự như thời điểm năm 2008”.

Do Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu GDP so sánh hàng quý, nên trong những thời điểm biến động lớn như hiện tại, mức tăng/ giảm GDP có thể phóng đại sự tăng trưởng hoặc sụt giảm thực tế trong nền kinh tế. Bởi vì GDP quý III được so sánh với quý II, khi nền kinh tế Mỹ suy thoái kỷ lục, nên bất kỳ mức tăng trưởng phục hồi nào cũng có vẻ rất lớn. 

Steve Rick, nhà kinh tế trưởng tại CUNA Mutual Group cũng chỉ ra điều đó: “Mặc dù tăng trưởng GDP quý III tương đối mạnh mẽ, chúng ta cần lưu ý rằng mức tăng này dựa trên sự so sánh với mức sụt giảm nghiêm trọng mà chúng ta chứng kiến trong quý II”.

Nhìn chung, dữ liệu GDP tăng kỷ lục như vậy đã mang đến cho chính quyền Trump một chiến thắng ngay trước ngày bầu cử Mỹ 3/11. Đây được coi là “bằng chứng tuyệt đối rằng các chính sách của Tổng thống Trump đang tạo ra việc làm và triển vọng tích cực cho người Mỹ ở mọi nơi trên đất nước” - Tim Murtaugh, giám đốc truyền thông của chiến dịch Trump 2020 khẳng định. “Tổng thống Trump đã xây dựng được một nền kinh tế mạnh nhất thế giới, và ông ấy đang làm điều đó một lần nữa (sau cuộc khủng hoảng đại dịch). Mức tăng trưởng này cũng chứng minh rằng chính sách giảm thuế và nới lỏng các quy định tài chính sẽ mở đường cho sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng như thúc đẩy tâm lý kinh doanh”.

Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 làm tê liệt nền kinh tế, đưa GDP Mỹ giảm sâu trong quý II là một trong những yếu tố then chốt làm giảm khả năng tái đắc cử của ngài Tổng thống. Trong các chiến dịch vận động tranh cử gần đây, ông Trump đã tuyên bố với cử tri rằng nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu phục hồi và chỉ có ông mới có thể đưa nó phục hồi hoàn toàn trở lại trong thời gian sớm nhất. Mức tăng GDP ấn tượng của quý III vừa qua sẽ là bằng chứng tuyệt đối cho cam kết của Trump.

Dù vậy, các nhà kinh tế học vẫn quan ngại về áp lực tăng trưởng kinh tế trong quý IV khi số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng đột biến trong những ngày qua, đe dọa thổi bùng làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Thêm vào đó, các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ vẫn chưa thể thông qua thỏa thuận về gói kích thích Covid-19 tiếp theo. Các khoản viện trợ thất nghiệp đang bắt đầu hết hạn trong khi chương trình bảo vệ tiền lương trị giá 670 tỷ USD đã kết thúc vào tháng trước. Hàng triệu công nhân Mỹ mất việc có thể sẽ bị ngừng nhận trợ cấp thất nghiệp vào cuối năm nay. 

“Chúng ta rất cần thêm các biện pháp kích thích tài khóa mới để vực dậy người dân khỏi cuộc suy thoái này cũng như chống lại tình trạng kiệt quệ tài chính” - bình luận của ông Steve Rick, nhà kinh tế trưởng tại CUNA Mutual Group.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục