GDP Trung Quốc giảm hơn 10% trong quý I/2020 vì đại dịch Covid-19?
Cuộc khảo sát độc lập hàng quý được thực hiện bởi China Beige Book với hơn 3.300 doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy các chỉ số kinh tế đang giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm do tác động của đại dịch Covid-19. Những điều kiện kinh doanh trong tháng 3 có ít dấu hiệu phục hồi dù đại dịch Covid-19 gần như đã được kiểm soát hoàn toàn tại Trung Quốc.
Báo cáo cho biết về cơ bản, kết quả kinh doanh tiếp tục xấu đi vào giữa tháng 3 dù đa số công ty đã mở cửa hoạt động trở lại. Chỉ số doanh thu giảm xuống -26 trong quý I, và có khả năng tiếp tục giảm sâu hơn khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, đẩy nền kinh tế đến bờ vực suy thoái. Nhiều quốc gia Châu Âu đã phong tỏa đất nước trong khi Mỹ cũng xem xét các biện pháp phong tỏa khi số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu tăng lên hơn 350.000 người.
Cũng theo China Beige Book, về sơ bộ, ngành dịch vụ là ngành chịu tổn thất nặng nề nhất từ dịch virus corona, với gần một nửa doanh nghiệp dự báo doanh số hàng quý giảm 10%. Tiếp theo là các ngành bán lẻ và sản xuất, với khoảng 30% doanh nghiệp dự báo doanh số hàng quý giảm tương tự.
Số liệu thống kê từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy khoảng 90% các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước đã khôi phục hoạt động. Nhưng con số này ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ là trên 60%, đồng nghĩa với việc gần 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn trong tình trạng ngừng hoạt động, người lao động chưa có việc làm. Đáng nói, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra tới 80% việc làm cho lực lượng lao động cả nước.
Tuyển dụng việc làm giảm mạnh dù tình trạng thiếu nguồn cung lao động ngày càng tồi tệ, trích lời ông Jason Shehzad Qazi, giám đốc điều hành China Beige Book. “Việc các công ty quay trở lại làm việc không có nghĩa là tăng trưởng kinh tế quay trở lại với Trung Quốc”.
China Beige Book nhận định nếu không có gì thay đổi, GDP quý I/2020 của Trung Quốc sẽ giảm 10-11% trong quý đầu tiên.
Dữ liệu từ Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc trong hai tháng đầu năm cũng phản ánh sự giảm mạnh các chỉ số đầu tư tài sản cố định doanh nghiệp và doanh số bán lẻ. Tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố cũng tăng vọt lên 6,2% trong tháng 2. Các nhà phân tích nghi ngờ con số thất nghiệp thực tế thậm chí cao hơn nhiều so với thống kê.
Bên cạnh tình trạng doanh nghiệp chưa phục hồi hoạt động hoặc công nhân nhập cư phải cách ly bắt buộc 14 ngày, khảo sát cũng chỉ ra nhiều người lao động không muốn trở lại làm việc trong tình hình bệnh dịch hiện tại. Dù đại dịch đã được kiểm soát tại Trung Quốc, cả nước không xuất hiện thêm ca nhiễm mới nội địa nhưng nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đe dọa do tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại các quốc gia Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…
Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, Ngân hàng đầu tư Trung Quốc CICC đã hạ dự báo tăng trưởng GDP quý I từ 6,1% xuống 2,6% hôm 23/3.
China Beige Book nhận định sự phục hồi của Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào khả năng phục hồi của nền kinh tế trong nước, mà còn chịu tác động của những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của Bắc Kinh như tình hình dịch bệnh trên thế giới, tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đầu tư và kim ngạch xuất nhập khẩu của các đối tác thương mại lớn… Do đó, đến nay, chưa thể nhận định liệu kinh tế Trung Quốc có phục hồi trong quý II như kỳ vọng của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.