Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn

15/04/2022 06:37 GMT+7
Giá cà phê Robusta giảm do nguồn cung tăng và áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5/2022. Nhu cầu thị trường bị tác động bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine và những vấn đề trong hoạt động logistics...
Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn - Ảnh 1.

Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn.

Giá cà phê kéo dài đà giảm...

Đầu tháng 4/2022, giá cà phê Robusta giảm do nguồn cung tăng và áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5/2022. Theo đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 3 và 3 tháng đầu năm tăng, trong khi Brazil và Indonesia cũng bắt đầu thu hoạch cà phê Robusta vụ mới. 

Nhu cầu thị trường bị tác động bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine và những vấn đề trong hoạt động logistics. Dự báo, giá cà phê Robusta sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Trên sàn giao dịch London, ngày 9/4/2022, giá cà phê Robusta giao các kỳ hạn tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 11/2022 giảm lần lượt 1,6%, 0,6% và 0,7% so với ngày 28/3/2022, xuống mức 2.091 USD/tấn, 2.096 USD/tấn và 2.090 USD/tấn. Ngược lại, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 9/2022 tăng nhẹ 0,1% so với ngày 28/3/2022, lên mức 2.094 USD/tấn.

Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn - Ảnh 2.

Nguồn: Sàn giao dịch London

Trên sàn giao dịch New York, ngày 9/4/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5/2022 và tháng 12/2022 cùng tăng 7,6% so với ngày 28/3/2022, lên mức 231,65 Uscent/lb và 229,25 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 7/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 7,5% và 7,4% so với ngày 28/3/2022, lên mức 231,55 Uscent/lb và 231,05 Uscent/lb.

Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn - Ảnh 3.

Nguồn: Sàn giao dịch New York

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 9/4/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5/2022, tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 12/2022 tăng lần lượt 6,1%, 4,7%, 5,9% và 4,6% so với ngày 28/3/2022, lên mức 286,35 Uscent/ lb, 288,4 Uscent/lb, 287 Uscent/lb và 285,75 Uscent/lb. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức 2.146 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 57 USD/tấn (tương đương giảm 2,6%) so với ngày 28/3/2022.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê đến hôm 13/4 vẫn tiếp tục giảm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/4, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục điều chỉnh giảm, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 7 USD (0,33%), giao dịch tại 2.091 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 6 USD (0,28%) giao dịch tại 2.105 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 8,55 Cent (3,66%), giao dịch tại 225,05 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 8,4 Cent/lb (3,60%), giao dịch tại 225,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng rất mạnh.

Giá cà phê kéo dài đà giảm của ngày thứ ba (12/4) để giảm mạnh vào hôm thứ tư (13/4) trong bối cảnh thị trường đang lo ngại về nhu cầu tiêu thụ.

Lo ngại người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu

Đến thời điểm hiện tại, sự quan tâm của thị trường đang tập trung vào diễn biến chiến tranh giữa Nga và Ukraine cùng những lo ngại về lạm phát. Xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến cho giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, từ đó buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, trong đó cà phê sẽ là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng đầu tiên.

Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn - Ảnh 4.

Trong nước, đầu tháng 4/2022, giá cà phê Robusta cũng giảm so với cuối tháng 3/2022.

Tại Brazil, lạm phát tăng lên đã thúc đẩy người dân bán hàng trước lo ngại về việc đồng Reals mất giá. Trong khi đó, những chuyến hàng ban đầu đến Nga của họ đã được chuyển hướng đến các địa điểm khác, từ đó hỗ trợ giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn. Như vậy, giá Arabica có thể sẽ mất đi yếu tố hỗ trợ về nguồn cung và khó có thể duy trì đà phục hồi.

Hiện tại bang Parana của Brazil đã bắt đầu giai đoạn thu hoạch, tuy nhiên các khu vực trồng Arabica chính của Brazil lại đang đón nhận lượng mưa thấp hơn mức trung bình. Kết hợp với thời tiết khô hạn do LaNina gây ra, sản lượng cà phê niên vụ 22/23 của Brazil có thể  ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong nước, đầu tháng 4/2022, giá cà phê Robusta cũng giảm so với cuối tháng 3/2022. Ngày 9/4/2022, giá cà phê tại thị trường nội địa giảm 2.000 đồng/kg so với ngày 28/3/2022, xuống mức cao nhất 41.300 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất 40.700 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 41.200 đồng/kg. Giá cà phê đến ngày 14/4 vẫn duy trì đà giảm với mức điều chỉnh là 200 đồng/kg tại thị trường nội địa. Hiện tại, các địa phương trọng điểm đang giao dịch cà phê trong khoảng 40.500 - 41.100 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất có mặt tại tỉnh Lâm Đồng và cao nhất được ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk. Sau khi được điều chỉnh, giá cà phê tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông hiện xuống mốc 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn - Ảnh 5.

Nguồn: giacaphe

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt trên 211 nghìn tấn, trị giá 474,44 triệu USD, tăng 51,4% về lượng và tăng 47,7% về trị giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021 tăng 24,4% về lượng và tăng 52% về trị giá. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 581,7 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn - Ảnh 6.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tháng 3/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.248 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 2/2022, nhưng tăng 22,2% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.230 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn - Ảnh 7.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Tháng 3/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2021, trừ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Anh và Nga giảm. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường chính tăng mạnh như: Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý. Quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng so với quý I/2021, ngoại trừ Hoa Kỳ và Nga giảm.

Giá cà phê khó thoát khỏi vùng đen tối, đà suy giảm dự báo còn tiếp diễn - Ảnh 8.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Các chuyên gia dự báo, giá cà phê toàn cầu từ nay đến cuối tháng 4 và sang cả tháng 5 có thể chịu nhiều sức ép từ căng thẳng địa chính trị và nguồn cung bổ sung từ Brazil. Ngoài ra, vấn đề logistics toàn cầu vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể và chiến sự Đông Âu đã làm căng thẳng thương mại thế giới gia tăng.

Thực tế, giao dịch cà phê tại Việt Nam đang chững lại do nông dân đã bán ra gần hết và chỉ giữ lại một phần chờ giá tăng song chưa biết đến bao giờ giá cà phê mới có thể tăng lên...

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục