Thị trường cà phê tiếp tục chịu sức ép lớn trong tháng 4
Giá cà phê "tiến thoái lưỡng nan", cung cầu không chi phối được thị trường
Tháng 3/2022, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới giảm so với tháng 2/2022 do tác động của căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/3/2022, giá cà phê Robusta giao các kỳ hạn tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 9/2022 giảm lần lượt 2,4%, 2,3% và 2,8% so với ngày 28/02/2022, xuống mức 2.125 USD/ tấn, 2.108 USD/tấn và 2.092 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/3/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 9/2022 giảm lần lượt 9,8%, 9,2% và 8,7% so với ngày 28/02/2022, xuống còn 215,3 Uscent/lb, 215,4 Uscent/lb và 215,05 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/3/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 9/2022 giảm lần lượt 7,7%, 3,5% và 7,4% so với ngày 28/02/2022, xuống còn 270 Uscent/lb, 275,55 Uscent/lb và 271 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.203 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 30 USD/tấn (tương đương mức giảm 1,3%) so với ngày 28/02/2022.
Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn cả tuần trước dao động không mạnh, kết quả trái chiều nhưng lần này London giảm và New York tăng, không như hai tuần trước đó, London tăng mạnh hơn.
Thị trường cà phê phái sinh như trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, lên không cao xuống không sâu với những yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen, mà trong đó yếu tố cung-cầu chỉ chi phối được một phần rất nhỏ.
Thông tin thời tiết không thuận lợi tại vùng cà phê Arabica chính ở miền Nam Brazil. Vùng này đang đối diện với một mùa đông khô đã dấy lên mối lo sản lượng vụ mùa năm nay sẽ không như kỳ vọng, điều này giúp Arabica tiếp tục có đà tăng mạnh đến cuối tuần.
Còn Robusta phiên cuối tuần giảm trở lại khi có những cơn mưa giải nhiệt tại vùng trồng cà phê Tây Nguyên của Việt Nam. Giá Robusta còn chịu ảnh hưởng của áp lực bán hàng vụ mới từ các nhà sản xuất lớn.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London quay đầu giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 26 USD (1,2%), giao dịch tại 2.139 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 22 USD (1,02%) giao dịch tại 2.130 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục tăng tốt, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 2 Cent (0,88%), giao dịch tại 228,4 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 2 Cent (0,88%), giao dịch tại 228,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng trên trung bình.
Dự báo thị trường cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục chịu sức ép trong tháng 4/2022. Dòng vốn đầu cơ chảy mạnh vào dầu thô do căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu lắng dịu. Mới đây, Rabobank đưa ra mức điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê Arabica của Brazil niên vụ mới 2022/2023 sẽ tăng 31,8% lên 41,1 triệu bao. Trong khi đó, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu do lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn.
Cà phê Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt thị trường Trung Quốc
Trong nước, tháng 3/2022, giá cà phê Robusta mặc dù có những phiên điều chỉnh giảm theo giá thế giới, nhưng so với cuối tháng 2/2022 vẫn tăng. Ngày 28/3/2022, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng 500 đồng/kg so với ngày 28/2/2022, lên mức cao nhất 41.000 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất 40.900 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 41.400 đồng/kg.
Theo khảo sát trên trang giacaphe.com vào lúc 9h, giá cà phê hôm nay (4/4) không có biến động mới so với cuối tuần trước. Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đang ghi nhận mức giá thấp nhất là 40.900 đồng/kg. Tiếp đó là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với chung mức 41.400 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk vẫn đang được duy trì tại mức 41.500 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.
Theo ước tính, tháng 3/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 170 nghìn tấn, trị giá 394 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 22,6% về trị giá so với tháng 2/2022, so với tháng 3/2021 tăng 0,2% về lượng và tăng 26,2% về trị giá. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 541 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,22 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 3/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.318 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 2/2022 và tăng 26% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.250 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt trên 324 nghìn tấn, trị giá 647,63 triệu USD, tăng 28,6% về lượng và tăng 66,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường chính tăng như: Đức, Bỉ, Anh, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Phi-líp-pin. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường Ý, Hoa Kỳ giảm.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh được cho là sẽ gây khó khăn cho giá cà phê trong nước tới đây. Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022 – 2027. Trong khi theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2020, sản lượng cà phê ở Trung Quốc là 1.800 nghìn bao 60 kg, trong khi Trung Quốc nhập khẩu 3.804 nghìn bao 60 kg. Do đó, Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu. Tuy nhiên, chính sách "Zezo Covid" của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường cà phê.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu cà phê (HS 0901) của nước này trong tháng 02/2022 đạt 25,33 triệu USD, giảm 15,7% so với tháng 02/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 59,32 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Về cơ cấu nguồn cung: Các thị trường cung cấp chính cà phê cho Trung Quốc gồm: Malaysia, Columbia, Etiopia, Ý, Nhật Bản… Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 9 cho Trung Quốc.
Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, tháng 2/2022, nước này nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với kim ngạch 995 nghìn USD, giảm 88,2% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 3,92 triệu USD, giảm mạnh 72,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh từ 20,92% trong 2 tháng đầu năm 2021 xuống còn 6,62% thị phần trong 2 tháng đầu năm 2022.
Có thể nói, bên cạnh những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 làm cản trở xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt thị trường Trung Quốc. Thị phần cà phê của Việt Nam tại Trung Quốc đang bị thay thế dần bởi các nguồn cung cấp khác như Malaysia, Ý, Etiopia, Nhật Bản. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc cũng giảm mạnh nhập khẩu cà phê từ Brazil, mức giảm 47,5%, đạt 3,85 triệu USD.