Thị phần cà phê của Việt Nam tại Trung Quốc đang bị thay thế dần bởi các nguồn cung cấp khác

10/04/2022 17:11 GMT+7
Bên cạnh những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 làm cản trở xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt thị trường Trung Quốc...

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh

Trà vẫn là thức uống truyền thống của Trung Quốc, nhưng nhu cầu về cà phê tại nước này cũng đang tăng lên, đặc biệt là ở các khu vực thành thị và những người trẻ tuổi. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng lớn đối với mặt hàng cà phê của Việt Nam. 

Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022 – 2027. Trong khi theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%. 

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2020, sản lượng cà phê ở Trung Quốc là 1.800 nghìn bao 60 kg, trong khi Trung Quốc nhập khẩu 3.804 nghìn bao 60 kg. Do đó, Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu. 

Tuy nhiên, chính sách "Zero Covid” của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường cà phê. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu cà phê (HS 0901) của nước này trong tháng 02/2022 đạt 25,33 triệu USD, giảm 15,7% so với tháng 02/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 59,32 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần cà phê của Việt Nam tại Trung Quốc đang bị thay thế dần bởi các nguồn cung cấp khác - Ảnh 1.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Các thị trường cung cấp chính cà phê cho Trung Quốc gồm: Malaysia, Columbia, Etiopia, Ý, Nhật Bản… Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 9 cho Trung Quốc. Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, tháng 2/2022, nước này nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với kim ngạch 995 nghìn USD, giảm 88,2% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 3,92 triệu USD, giảm mạnh 72,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh từ 20,92% trong 2 tháng đầu năm 2021 xuống còn 6,62% thị phần trong 2 tháng đầu năm 2022. Có thể nói, bên cạnh những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 làm cản trở xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt thị trường Trung Quốc. Thị phần cà phê của Việt Nam tại Trung Quốc đang bị thay thế dần bởi các nguồn cung cấp khác như Malaysia, Ý, Etiopia, Nhật Bản. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc cũng giảm mạnh nhập khẩu cà phê từ Brazil, mức giảm 47,5%, đạt 3,85 triệu USD.

Thị phần cà phê của Việt Nam tại Trung Quốc đang bị thay thế dần bởi các nguồn cung cấp khác - Ảnh 2.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Thị phần cà phê của Việt Nam tại Trung Quốc đang bị thay thế dần bởi các nguồn cung cấp khác - Ảnh 3.

Giá cà phê trong tuần qua biến động khá mạnh song xu hướng chung là đi xuống.

Trên thị trường, giá cà phê cuối tuần này hồi phục trên cả hai sàn kỳ hạn do giới đầu cơ quay lại tăng mua sau khi đã mạnh tay thanh lý vị thế ròng trước đó vì áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn. Sự tăng mua của các quỹ hàng hóa lúc này còn như là một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Trong khi đó, lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn tiếp tục đẩy giá cà phê lên cao hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (ngày 8/4), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London bất ngờ đảo chiều tăng mạnh sau nhiều ngày sụt giảm, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 27 USD (1,31%), giao dịch tại 2.091 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 30 USD (1,45%) giao dịch tại 2.096 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 5,50 Cent (2,43%), giao dịch tại 231,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 5,40 Cent (2,39%), giao dịch tại 231,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng rất mạnh.

Thị phần cà phê của Việt Nam tại Trung Quốc đang bị thay thế dần bởi các nguồn cung cấp khác - Ảnh 4.

Giá cà phê trực tuyến Sàn London, New York, BMF

Giá cà phê trong tuần qua biến động khá mạnh song xu hướng chung là đi xuống. So với đầu tuần, giá thu mua tại các địa phương trọng điểm giảm 200 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương ghi nhận mức cao nhất, đạt 41.300 đồng/kg. Thấp nhất là tỉnh Lâm Đồng với mức 40.700 đồng/kg. Tương tự, sau biến động, 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum hiện giao dịch với chung mức 41.200 đồng/kg.

Theo ước tính, tháng 3/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 170 nghìn tấn, trị giá 394 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 22,6% về trị giá so với tháng 2/2022, so với tháng 3/2021 tăng 0,2% về lượng và tăng 26,2% về trị giá. 

Tính chung quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 541 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,22 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 3/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.318 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 2/2022 và tăng 26% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.250 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.


 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục