Giá cà phê tăng, nguồn cung tiếp tục hụt
Giá cà phê hôm nay 18/2: Tiếp tục tăng 500 đồng/kg
Ghi nhận tại phiên giao dịch cuối ngày 17/2 (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2023 tăng 19 USD (0,92%), giao dịch tại 2.088 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 28 USD (1,35%), giao dịch tại 2.103 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 5,60 Cent/lb (3,11%), giao dịch tại 185,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 4,7 Cent/lb (2,62%), giao dịch tại 184,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 500 đồng, lên dao động trong khung 44.900 - 45.700 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 44.900 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Đắk Nông với mức 45.500 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk cũng lần lượt tăng lên mức 45.600 đồng/kg và 45.700 đồng/kg.
Thông tin nguồn cung giảm tiếp tục ảnh hưởng đến xu hướng giá, góp phần kìm hãm đà giảm, hoặc hỗ trợ tăng giá phục hồi.
Trên sàn ICE London, tồn kho đạt chuẩn ghi nhận tiếp tục giảm xuống mức 59.330 tấn, tính đến 15/2. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 142.544 tấn, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chỉ số kỹ thuật cho thấy động lượng tăng vẫn còn. Tuy nhiên, thị trường đang tiến sát vào vùng quá mua.
Bên cạnh đó, lượng cà phê Arabica đưa về sàn chờ ICE kiểm định để cấp chứng nhận đã không được bổ sung trong mấy ngày vừa qua. Điều này đã dấy lên mối lo mới cho các nhà chế biến, rang xay. Tồn kho đạt chuẩn sàn ICE New York tiếp tục ghi nhận giảm xuống mức 844.914 bao, tính đến 16/2. Theo Hiệp hội Cà phê hạt (GCA) khu vực Bắc Mỹ báo cáo tồn kho tháng 1 đã giảm 1,8% so với tháng trước, xuống ở mức 6,265 triệu bao tính đến cuối tháng.
Tỷ giá đồng Real của Brazil tiếp tục tăng nhẹ đã không hỗ trợ người Brasil bán cà phê xuất khẩu và mức giá tại trường nội địa Brasil hiện cũng khó mua được hàng.
Ban Thư ký Ngoại thương (SECEX) bày tỏ sự quan ngại khi nhận thấy tốc độ giao hàng lên tàu có phần chậm lại, trong khi xuất khẩu cà phê tháng 2 của nước này sẽ không đạt mức trung bình xuất khẩu hàng tháng.
Theo phân tích kỹ thuật, cà phê Arabica vẫn còn trong xu hướng đi ngang tích lũy, các chỉ số kỹ thuật cho thấy xu hướng giá trung tính chưa rõ nét. Dự kiến trong ngắn hạn giá có thể còn giằng co tích lũy trong biên độ 172-187.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1 đạt 142.544 tấn, trị giá 310,4 triệu USD, giảm 38,4% về lượng và 38,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn so với tháng 2/2022, tháng có cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm nay tăng 2% về lượng và giảm 3,6% về trị giá.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm chiếm 43,6% tổng khối lượng xuất khẩu với 62.132 tấn, trị giá 135 triệu USD.
Trong đó, những thị trường tiêu thụ cà phê chính của Việt Nam tại EU gồm Đức (21.487 tấn), Italy (17.274 tấn), Bỉ (9.282 tấn), Tây Ban Nha (5.984 tấn)…
Ngoài EU, các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu khác có thể kể đến như Mỹ đạt 10.901 tấn, Nga 10.087 tấn…
Điểm đặc biệt là khối lượng xuất khẩu sang một số nước trồng cà phê khác tăng rất mạnh trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái như Indonesia tăng gấp 4,5 lần (đạt 3.245 tấn), Mexico tăng 4 lần (đạt 2.797 tấn), Ấn Độ tăng 62,3% (đạt 2.507 tấn).
Giá cà phê đã phục hồi trở lại trong thời gian gần đây nhưng kịch bản giá tăng cao kỷ lục như năm 2022 được cho là khó lặp lại bởi sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu.
Dù đứng trước muôn vàn khó khăn và thách thức trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023, thị trường chung vẫn có những điểm sáng mới để kỳ vọng.
Trung Quốc đang tích cực mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điều này không chỉ thúc đẩy sự hồi phục về kinh tế của riêng Trung Quốc mà còn có thể đóng góp vào sự phát triển chung của toàn cầu khi đây hiện là quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia như Mỹ, Việt Nam, … Cũng chính nhờ sự mở cửa này mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã có sự điều chỉnh lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế toàn thế giới được điều chỉnh từ 2,7% lên 2,9%. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng có sự khởi sắc lần lượt từ 1,0% lên 1,4% và 0,5% lên 0,7%. Sự tăng trưởng trở lại giúp thị trường kỳ vọng chi tiêu của người dân sẽ được nới lỏng và nhu cầu đối với cà phê, mặt hàng phụ thuộc nhiều vào sức khỏe nền kinh tế của các quốc gia sẽ có sự khởi sắc.
Sự chênh lệch giá giữa cà phê Arabica và Robusta trong bối cảnh trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, khiến người dân có xu hướng chuyển từ tiêu dùng Arabica sang Robusta để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn có thể sử dụng cà phê. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu có thể sẽ suy yếu nhưng không tập trung vào Robusta, và vẫn là một thông tin tích cực đối với cà phê Robusta ở thời điểm hiện tại. Theo dự báo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023 – 2033.
Bên cạnh đó, nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Brazil và Indonesia đang có dấu hiệu thu hẹp lại, giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu. Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil, sản lượng cà phê Robusta của nước này trong năm 2023 có thể sẽ sụt giảm gần 9% so với năm ngoái và Indonesia được Volcafe dự đoán sản lượng sẽ giảm về mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ.
Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức lớn cần phải đối mặt để có thể duy trì đà tăng trước đó, nhưng cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn cả từ các yếu tố vĩ mô đến nguồn lực trong nước. Do đó, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu có thể suy yếu so với năm kỷ lục vừa qua nhưng vẫn sẽ cao hơn 2 năm 2020 và 2021 và nhiều khả năng sẽ nằm trên mức kim ngạch trung bình 3 tỷ USD.