Giá cà phê tăng trở lại, cà phê nội vượt mốc 45.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 17/2: Tăng trở lại, vượt mốc 45.000 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 20 USD, lên 2.068 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 23 USD, lên 2.072 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 3,25 cent, lên 180,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 3,00 cent, lên 179,55 cent/lb, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 400 đồng, lên dao động trong khung 44.400 - 45.200 đồng/kg. Trong đó, hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông cùng tăng 600 đồng/kg, lần lượt lên 44.400 đồng/kg và 45.000 đồng/kg. Sau khi tăng 700 đồng/kg, giá thu mua tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đang ở mức tương ứng là 45.100 đồng/kg và 45.200 đồng/kg. Như vậy, trong hôm nay, giá cà phê tại nhiều tỉnh trọng điểm trong nước đã vượt mức 45.000 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn hồi phục ngay trong ngày thông báo đầu tiên (FND) của sàn New York cho thấy áp lực của hàng giao ngay vẫn còn đè nặng lên thị trường cà phê thế giới, trong khi lượng cà phê Arabica đưa về sàn chờ ICE kiểm định để cấp chứng nhận đã không được bổ sung trong mấy ngày vừa qua. Điều này đã dấy lên mối lo mới cho các nhà chế biến, rang xay.
Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) khu vực Bắc Mỹ báo cáo tồn kho tháng 1 đã giảm 1,8% so với tháng trước, xuống ở mức 6,265 triệu bao tính đến cuối tháng. Trong khi đó, tỷ giá đồng Reais (Brazil) tiếp tục tăng nhẹ đã không hỗ trợ người Brazil bán cà phê xuất khẩu và mức giá tại trường nội địa Brazil hiện cũng khó mua được hàng.
Ban Thư ký Ngoại thương (SECEX) bày tỏ sự quan ngại khi nhận thấy tốc độ giao hàng lên tàu có phần chậm lại, trong khi tháng 2 là tháng có ít ngày nên Brazil xuất khẩu cà phê tháng này sẽ không đạt mức trung bình xuất khẩu hàng tháng.
Nguồn cung và tồn kho thấp tại Mỹ, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới đã hỗ trợ cà phê tăng giá.
Cà phê Brazil rẻ nhất tại thời điểm này là hàng tồn kho được chứng nhận. Các đại lý dự đoán, hàng tồn kho sẽ giảm xuống bằng 0 trong vài tháng tới, chỉ còn lại cà phê Honduras cũ và các loại cà phê khác tại các kho giao dịch.
Theo Hiệp hội Cà phê nhân Mỹ (GCA), dự trữ cà phê nhân của Mỹ cuối tháng 1/2023 giảm 112.895 bao (loại 60kg) xuống còn 6,26 triệu bao, mức thấp nhất 6 tháng. Đây là đợt giảm tồn kho mạnh nhất kể từ tháng 10/2021. Mức dự trữ này tương đối thấp so với mức 7,5 triệu bao trong năm 2019.
Tại Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng, thúc đẩy tiêu thụ cà phê chế biến tại thị trường đông dân số nhất thế giới này.
Hoạt động giao dịch tại Việt Nam vẫn trầm lắng do nguồn cung nội địa hạn chế, mặc dù người mua đang hướng tới cà phê Robusta của Việt Nam do nguồn cung tại Indonesia thấp.
Năm 2022 được đánh giá là năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê. Hai quý cuối năm ngoái, khi nhu cầu cao và tỷ giá có lợi, các doanh nghiệp đã tích cực thu gom cà phê từ nông dân và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu ồ ạt đã khiến nguồn cung trong nước giảm xuống mức rất thấp kể từ cuối năm 2022 đến nay. Điều này khiến tồn kho thực tế đã giảm mạnh từ cuối năm 2022 và ảnh hưởng tới khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn đầu năm 2023.
Những ngày đầu tháng 2/2023, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới tăng, sau các báo cáo cung – cầu. Theo khảo sát của Reuters, nguồn cung cà phê toàn cầu sẽ thiếu hụt 4,15 triệu bao trong niên vụ 2022/2023.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu 3 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm 2,8% xuống 30,27 triệu bao so với 31,14 triệu bao cùng kỳ niên vụ 2021/2022.
Các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường mua sau báo cáo chỉ số kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng khả quan, bất chấp lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng.
Xu hướng tăng giá cà phê được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại.
Trên sàn giao dịch London, ngày 9/02/2023, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2023, tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 0,5%, 2,0%, 2,8% và 3,2% so với ngày 28/01/2023, lên mức 2.063 USD/tấn; 2.057 USD/tấn; 2.038 USD/tấn và 2.010 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 9/02/2023, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 3,4%, 3,3%, 3,7% và 4,0% so với ngày 28/01/2023, lên mức 175,6 Uscent/lb, 175,65 Uscent/lb, 175,7 Uscent/ lb và 174,7 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 9/02/2023, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 2,5%, 0,4%, 4,0% và 4,5% so với ngày 28/01/2023, lên mức 235,55 Uscent/lb; 219,4 Uscent/lb; 217,05 Uscent/lb và 215,15 Uscent/lb.
Những ngày giữa tháng 2/2023, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng so với cuối tháng 1/2023. Ngày 9/02/2023, giá cà phê Robusta tăng từ 700 – 800 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 28/01/2023. Tại tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, giá cà phê Robusta cùng tăng 800 đồng/kg, lên mức 43.500 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, giá cà phê Robusta cũng tăng lên mức 43.500 – 43.600 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 142,54 nghìn tấn, trị giá 310,44 triệu USD, giảm 27,7% về lượng và giảm 27% về trị giá so với tháng 12/2022, so với tháng 1/2022 giảm 12,7% về lượng và giảm 16,2% về trị giá.
Diễn biến giá: Tháng 1/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.178 USD/tấn, tăng 1,0% so với tháng 12/2022, nhưng giảm 4,0% so với tháng 1/2022. Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việ Nam sang Bỉ tăng mạnh 31,2% so với tháng 12/2022 và tăng 33,2% so với tháng 1/2022, lên mức 2.576 USD/tấn.
Tháng 1/2023 so với tháng 12/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường truyền thống giảm, nhưng xuất khẩu sang Ý, Indonesia tăng rất mạnh. So với tháng 1/2022, xuất khẩu cà phê của nước ta sang hầu hết các thị trường giảm, nhưng xuất khẩu sang Ý, Hoa Kỳ, Hà Lan, Indonesia tăng mạnh.