Giá cá rô phi Trung Quốc ở mức cao, cơ hội cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam

12/09/2024 13:04 GMT+7
Giá cá rô phi tại Trung Quốc duy trì ổn định ở mức cao trong tháng 8/2024 dao động từ 8,60 đến 10,60 NDT/kg, cao hơn 2 NDT so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này tạo áp lực cho doanh nghiệp chế biến nhưng lại mở ra cơ hội lớn cho cá tra phát triển và mở rộng thị phần.

Giá cá rô phi ổn định ở mức cao

Thông tin từ Undercurrentnews cho biết, tính đến tuần thứ 34 (18-25/8/2024), giá thu mua cá rô phi tại các nhà máy ở Quảng Đông đạt 10,60 NDT/kg cho loại cá có trọng lượng từ 500-800 gram và 8,60 NDT/kg đối với loại cá từ 300-500 gram. Ở Hải Nam, giá bán tương đương với Quảng Đông, trong khi tại Quảng Tây, giá cao hơn 0,20 NDT/kg cho cả hai loại kích cỡ.

Theo các báo cáo địa phương, giá cá rô phi cỡ lớn (500-800 gram) tại Hải Nam đã duy trì mức 10,60 NDT/kg trong suốt một tháng qua. Trong khi đó, tại Quảng Đông và Quảng Tây, giá cá đã phục hồi sau đợt giảm vào tháng 6 và hiện đang giữ ổn định. So với cùng kỳ năm ngoái, khi giá cá rô phi loại 500-800 gram chỉ đạt 8,20-8,60 NDT/kg tại ba tỉnh này, mức giá hiện tại cao hơn khoảng 2,00 NDT/kg.

Dù nhiều chuyên gia ngành kỳ vọng giá cá sẽ giảm trong quý 2 và quý 3, mức giá hiện tại vẫn duy trì ở ngưỡng cao hơn dự đoán. Theo ông Liu Zhili, Tổng Giám đốc của Hainan Gengift Aqua-Technology, nguyên nhân chính khiến giá không giảm là do nguồn cung cá rô phi chưa đạt đủ số lượng lớn như mong đợi. Ông cũng lưu ý rằng, kế hoạch tăng sản lượng từ giữa tháng 8 vẫn chưa thực hiện được, khiến các nhà máy chế biến phải thận trọng trong việc điều chỉnh sản xuất.

Giá cá rô phi ổn định

Ông Liu nhận định thêm rằng, mặc dù điều kiện thả nuôi cá rô phi khá thuận lợi, việc thiếu nguồn cung cấp lớn trong ngắn hạn đã giúp thị trường tránh được khủng hoảng giá cả.

Một giám đốc điều hành của một nhà máy chế biến cho biết, mức giá hiện tại tuy mang lại lợi ích cho người nông dân nhưng đồng thời tạo ra thách thức lớn cho các nhà máy chế biến. Ông này cũng cho hay, mặc dù xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm trong nửa đầu năm, sự tăng trưởng tại các thị trường Châu Âu, Mexico và Israel đã bù đắp phần nào cho sự thiếu hụt từ Mỹ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu phi lê cá rô phi đông lạnh của Hoa Kỳ từ Trung Quốc giảm mạnh, với mức giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 76.829 pao. Ngược lại, Indonesia đã chứng kiến sự tăng trưởng xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ, với khối lượng tăng khoảng 23% lên 8.594 pao. Riêng trong tháng 6, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 15% xuống còn 14.218 pao, trị giá 26 triệu USD, trong khi nhập khẩu từ Indonesia tăng đột biến 122% đạt 1.663 pao, trị giá 7,1 triệu USD.

Ngành cá tra: Vĩnh hoàn và Nam Việt xuất khẩu tăng vọt

Theo Agromonitor, giá trị xuất khẩu của ngành cá trong tháng 8/2024 ước tính đạt 174 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ sản lượng xuất khẩu tăng 6%, mặc dù giá bán xuất khẩu trung bình vẫn thấp hơn 4% so với cùng kỳ. 

Xét về thị trường, Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 31% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thị trường Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 3%, còn Châu Âu giảm 10%. 

Giá trị xuất khẩu của ngành cá trong tháng 8/2024 ước tính đạt 174 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Để đẩy mạnh sản lượng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã phải chấp nhận giảm giá bán. Tại Trung Quốc, giá tiếp tục chạm đáy, trong khi ở Châu Âu, giá giảm mạnh so với tháng trước. Riêng tại Hoa Kỳ, mặc dù giá bán giảm nhẹ, nhưng nhờ mức nền thấp của năm 2023, giá bán trong tháng 8/2024 vẫn tăng 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá bán tại Trung Quốc và Châu Âu lần lượt thấp hơn 14% và 9% so với cùng kỳ năm trước.

Về giá nguyên liệu, lượng tồn kho cá nguyên liệu đã giảm dần và duy trì ở mức thấp nhất kể từ năm 2020. Mặc dù giá nguyên liệu trong tháng 8/2024 tương đương với cùng kỳ năm trước, chi phí thức ăn giảm đã giúp các doanh nghiệp duy trì biên lợi nhuận, dù giá bán vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.

Đối với Vĩnh Hoàn (VHC), giá trị xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2024 tăng 32%, nhờ sản lượng tăng 35%, dù giá bán vẫn thấp hơn 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đà giảm giá bán đã được thu hẹp và dự kiến sẽ có sự tăng trưởng trong tháng tới. Tính lũy kế 2 tháng đầu quý 3, VHC đạt giá trị xuất khẩu 53 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản lượng tăng mạnh 39%.

Đối với Nam Việt (ANV), sau khi ghi nhận mức tăng trưởng đột biến 72% trong tháng 7/2024 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do mức nền thấp, giá trị xuất khẩu tháng 8/2024 lại giảm nhẹ 2%, nguyên nhân do giá bán trung bình chưa tăng cao khi giá bán tại thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm sâu. Tính lũy kế 2 tháng đầu quý 3, ANV đạt giá trị xuất khẩu 20 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng tăng 35%.

Các doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu cao sang Hoa Kỳ như Vĩnh Hoàn sẽ có lợi thế hơn so với những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như ANV và IDI, khi cả giá bán và sản lượng tại Hoa Kỳ đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, trong khi giá bán tại Trung Quốc vẫn tiếp tục suy giảm.

Ngoài ra, bão Yagi đã ảnh hưởng đến nguồn cung cá rô phi tại Hải Nam, một trong ba khu vực sản xuất cá rô phi lớn nhất của Trung Quốc, cùng với Quảng Đông và Quảng Tây, chiếm lần lượt 44%, 19%, và 15% sản lượng cả nước tính đến năm 2021. Bão Yagi có thể tác động ngắn hạn đến nguồn cung cá rô phi tại Hải Nam, khiến giá bán cá rô phi khó giảm trong thời gian tới. Điều này có thể mở ra cơ hội cho cá tra tiếp tục gia tăng thị phần khi giá cá rô phi vẫn ở mức cao.

P.T
Cùng chuyên mục