Giá cao kỷ lục làm thịt nhập đắt đỏ, lợn hơi trong nước tiến sát mốc 60.000 đồng/kg

20/04/2022 13:02 GMT+7
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 3/2022 đạt trung bình 120 điểm, tăng 5,5 điểm (4,8%) so với tháng 2/2022 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nhâp khẩu thịt của Việt Nam giảm 7,9% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá thịt thế giới tháng 3/2022 đạt mức cao kỷ lục 

Theo Tổ chức FAO, chỉ số giá thịt thế giới tháng 3/2022 đạt trung bình 120 điểm, tăng 5,5 điểm (4,8%) so với tháng 2/2022 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Giá thịt lợn tăng mạnh nhất kể từ năm 1995, do sự thiếu hụt nguồn cung ở Tây Âu và nhu cầu tăng vọt trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Giá thịt gia cầm thế giới ổn định, nguồn cung từ các nước xuất khẩu hàng đầu sụt giảm sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát và cũng bị ảnh hưởng bởi việc Ukraine không thể xuất khẩu thịt gia cầm trong bối cảnh xung đột đang diễn ra. Giá thịt trâu, bò cũng ổn định, nguồn cung hạn hẹp ở một số vùng sản xuất trọng điểm, trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn ổn định.

Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 3/2022 đạt trung bình 159,3 điểm, tăng 12,6% so với tháng 2/2022 và đạt mức cao nhất kể từ năm 1990, tăng 33,6% so với tháng 3/2021.

Giá cao kỷ lục làm thịt nhập đắt đỏ, lợn hơi trong nước tiến sát mốc 60.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Theo Tổ chức FAO, chỉ số giá thịt thế giới tháng 3/2022 đạt trung bình 120 điểm, tăng 5,5 điểm (4,8%) so với tháng 2/2022 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới có lượng thịt tăng mạnh. Sản lượng lợn hơi và lợn nái giống của Trung Quốc tăng đều đặn trong quý I/2022. Sản lượng lợn hơi của Trung Quốc quý I/2022 đạt 422,53 triệu con, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bao gồm 41,85 triệu con lợn nái giống.

Trong quý I/2022, sản lượng thịt lợn, thịt bò, thịt cừu và gia cầm của Trung Quốc đạt 23,95 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó sản lượng thịt lợn đạt 15,61 triệu tấn, tăng 14%.

Brazil, nước xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới cũng giảm mạnh lượng thịt xuất khẩu. Trong tháng 3/2022, Brazil đã xuất khẩu 91.400 tấn thịt lợn, đạt 190,3 triệu USD, giảm 16,3% về khối lượng và giảm 27,3% về kim ngạch so với tháng 3/2021. Các thị trường chủ yếu như Trung Quốc và Hồng Kông đã giảm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, mặc dù một số thị trường khác tăng nhập khẩu thịt lợn từ Brazil.

Tính chung trong quý I/2022, xuất khẩu thịt lợn của Brazil đạt 237.500 tấn, tương đương 498,5 triệu USD, giảm 6,3% về khối lượng và giảm 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất, đạt 34.100 tấn (giảm 41,8%), tiếp theo là Hồng Kông với 9.700 tấn (giảm 44,2%), Philippines với 6.800 tấn (tăng 255,2%), Singapore với 5.200 tấn (tăng 36,4%) và Achentina với 5.000 tấn (tăng 71,5%).

Giá lợn hơi trong nước tiến sát mốc 60.000 đồng/kg

Trong nước, giá lợn hơi gần đây có xu hướng tăng lên và đang tiến sát mốc 60.000 đồng/kg. Ngày 20/4, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc đi ngang, dao động trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg. Trong đó, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và TP.Hà Nội đang thu mua lợn hơi ở mức cao nhất khu vực là 56.000 đồng/kg; Yên Bái và Thái Nguyên tiếp tục đứng tại mốc thấp nhất khu vực là 53.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại khu vực miền Trung - Tây nguyên giảm 1 giá tại một số tỉnh như Quảng Trị, Bình Thuận... về mức 56.000 đồng/kg - bằng giá lợn xuất chuồng tại Khánh Hòa và Lâm Đồng. Mức giá thấp nhất khu vực hiện nay là 52.000 đồng/kg ghi nhận tại tỉnh Quảng Bình, đưa giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây nguyên dao động trong khoảng 52.000 - 56.000 đồng/kg.

Giá cao kỷ lục làm thịt nhập đắt đỏ, lợn hơi trong nước tiến sát mốc 60.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Mặc dù thị trường tiêu thụ chậm nhưng giá lợn hơi có xu hướng tăng do áp lực giá thức ăn chăn nuôi tăng quá lớn.

Tại miền Nam giá lợn hơi điều chỉnh tăng giảm rải rác tại một vài tỉnh thành. Cụ thể, lợn xuất chuồng ở Bình Phước và Bạc Liêu giảm 1 giá; ngược lại ở Trà Vinh tăng đến 2 giá lên mức 57.000 đồng/kg. Cao nhất khu vực này ghi nhận tại An Giang là 59.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng 54.000 - 59.000 đồng/kg.

Mặc dù thị trường tiêu thụ chậm nhưng giá lợn hơi có xu hướng tăng do áp lực giá thức ăn chăn nuôi tăng quá lớn.

Tổng số trâu của cả nước trong quý I/2022 giảm khoảng 2% so với quý I/2021; trong khi tổng số bò tăng khoảng 1,1%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I/2022 ước đạt 33,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 128,9 nghìn tấn, tăng 3,4% so với quý I/2021. Trong quý I/2022, đàn lợn tiếp tục hồi phục, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định. Ước tính tổng đàn lợn tăng khoảng 4,2% so với quý I/2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2022 ước đạt 1.041,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với quý I/2021, đạt 24% kế hoạch năm 2022; đàn gia cầm của cả nước tăng khoảng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2022 ước đạt 507,3 nghìn tấn, tăng 5,3% so với quý I/2021 và đạt 25% kế hoạch cả năm 2022.

Trong quý I/2022, sản xuất chăn nuôi cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao, giá thức ăn chăn nuôi biến động mạnh, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng đến sự phát triển của vật nuôi, thêm vào đó là giá xăng dầu tăng cao đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất chăn nuôi cả nước. 

Hiện xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, khiến giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, trong khi nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi rất lớn, dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương... sẽ có tác động đến hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 87,81 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 197,04 triệu USD, giảm 7,9% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 39 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. 2 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt 25,68 nghìn tấn, trị giá 77,96 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; chiếm 29,2% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022. 

Giá cao kỷ lục làm thịt nhập đắt đỏ, lợn hơi trong nước tiến sát mốc 60.000 đồng/kg - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm và thịt lợn tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 15,4 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 33,08 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.149 USD/tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 40,3%; Nga chiếm 19,2% và Canada chiếm 15,3%...

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục