Giá cao su hôm nay 17/2 biến động mạnh, thị trường đã có sự lo ngại

17/02/2022 17:45 GMT+7
Giá cao su hôm nay 17/2 biến động mạnh, tăng tại Nhật Bản, giảm tại Thượng Hải (Trung Quốc), trong khi mưa rào tại Thái Lan làm tăng lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn.

Giá cao su biến động trái chiều...

Cao su của Nhật Bản tăng do chứng khoán châu Á mạnh lên khi lo lắng về Nga tấn công Ukraina dịu đi, trong khi giá nguyên liệu thô cao cũng hỗ trợ giá.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,6 JPY hay 1% lên 256,8 JPY (2,22 USD)/kg.

Các thương nhân ghi nhận giá mủ cao su tiếp tục mạnh, giá ở Thái Lan tăng hơn 25% từ đầu năm tới nay lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Trong khi đó, cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải giảm 40 CNY xuống 14.285 CNY (2.255,04 USD)/tấn.

Giá cao su hôm nay 17/2 biến động mạnh, thị trường đã có sự lo ngại - Ảnh 1.

Giá cao su hôm nay 17/2 biến động mạnh, thị trường đã có sự lo ngại.

Giá cao su Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 8,5 tháng, tăng 6 tháng liên tiếp do giá dầu mạnh lên, trong khi mưa rào tại Thái Lan làm tăng lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn.

Các nhà sản xuất găng tay cao su có thể đang dự trữ nguyên liệu thô do họ dự đoán sản lượng giảm từ Thái Lan trong những tháng tới, khi nhiều nơi của nước này đang bước vào mùa đông. 

Tại Thái Lan, giá cao su đã có xu hướng tăng mạnh để từ đầu tháng 2 đến nay. Hiện giá cao su Thái Lan tăng 6,4% so với cuối tháng 1/2022 và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Cao su Thái Lan (RAOT) cho biết quốc gia Đông Nam Á này dự kiến sẽ sản xuất được 4,9 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay, tăng 1,82% so với một năm 2021.

Thái Lan hiện là nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/3 sản lượng cao su toàn cầu mỗi năm. Theo RAOT, Thái Lan cũng dự kiến xuất khẩu khoảng 4,22 triệu tấn cao su trong năm nay, nhiều hơn 2% so với năm 2021.

Trong quý đầu tiên của năm nay, xuất khẩu cao su của Thái Lan dự kiến đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 4,29%, trong khi dự trữ cao su có khả năng giảm.

Cao su tổng hợp bắt nguồn từ dầu thô và thị trường dầu mỏ tăng cũng là động lực cho giá cao su tự nhiên.

Tuy nhiên, ngành cao su vẫn đang phải đối mặt với việc gián đoạn chuỗi cung ứng và sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính sản lượng cao su toàn cầu đạt khoảng 14,55 triệu tấn và tiêu thụ ở mức 14,39-14,82 triệu tấn. Tiêu thụ cao su được dự báo sẽ tăng 2-5%, do đó sản lượng năm 2022 có thể ít hơn nhu cầu.

ANRPC dự báo yếu tố hỗ trợ cao su năm nay bao gồm các điều kiện thời tiết và dịch Covid-19-điều dẫn đến nhu cầu nhiều hơn về găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân.

Trong khi đó, những thách thức có thể ảnh hưởng đến nhu cầu cao su bao gồm thiếu chất bán dẫn (có thể ảnh hưởng đến sản xuất và phân phối ô tô), tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Giá cao su hôm nay 17/2 biến động mạnh, thị trường đã có sự lo ngại - Ảnh 2.

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 chiếm 18,2%, tăng so với mức 16,3% của năm 2020.

Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu cao su từ thị trường Việt Nam

Trong năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 2,28 tỷ USD, tăng 27,8% so với năm 2020. 

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 chiếm 18,2%, tăng so với mức 16,3% của năm 2020. 

Giá cao su hôm nay 17/2 biến động mạnh, thị trường đã có sự lo ngại - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 12,56 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường lớn như Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà…

Việt Nam cũng là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 1,77 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2020. 

Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 39,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 31,8% của năm 2020.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như Myanmar, Lào trong năm 2021; trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia… so với năm 2020.

Giá cao su hôm nay 17/2 biến động mạnh, thị trường đã có sự lo ngại - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức, Mỹ,… 

Năm 2022, dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam sang hầu hết các thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt Trung Quốc vẫn sẽ nhập mạnh cao su của Việt Nam nếu các doanh nghiệp đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 thắt chặt của nước này.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục