Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này

27/12/2021 15:48 GMT+7
Giá cao su có xu hướng giảm trên các sàn giao dịch châu Á từ giữa tháng 12 đến nay. Tuy nhiên, thời gian tới, giá cao su có khả năng sẽ khởi sắc trở lại do nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu chắc chắn phục hồi.

Nhà đầu tư vẫn lo ngại nhu cầu cao su giảm, bởi biến thể virus Corona Omicron lây lan

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 1.

Giá cao su có xu hướng giảm trên các sàn giao dịch châu Á từ giữa tháng 12 đến nay. Ảnh: CT

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 2.

Nguồn: cf.market-info.jp

Trong 10 ngày giữa tháng 12/2021, giá cao su có xu hướng giảm trên các sàn giao dịch châu Á, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), sau khi tăng lên 225,4 Yên/kg vào ngày 13/12/2021, giá cao su giảm trở lại. Ngày 18/12/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 01/2022 ở mức 221,6 Yên/kg (tương đương 1,95 USD/kg), giảm 0,4% so với 10 ngày trước đó và thấp hơn 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 3.

Nguồn: shfe.com.cn

Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su tự nhiên sau khi tăng lên 14.510 NDT/tấn vào ngày 13/12/2021, giá quay đầu giảm. Ngày 18/12/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 01/2022 giao dịch ở mức 14.355 NDT/tấn (tương đương 2,25 USD/tấn), giảm 0,5% so với 10 ngày trước đó và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 4.

Nguồn: thainr.com

Tại Thái Lan, hiện giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 60,5 Baht/kg (tương đương 1,82 USD/kg), giảm 0,9% so với 10 ngày trước đó và giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su đảo chiều giảm mạnh tại các sàn ở châu Á từ đầu tháng 12/2021 đến nay do các nhà đầu tư vẫn lo ngại nhu cầu sẽ giảm, bởi biến thể virus Corona Omicron lây lan và các hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia, thị trường lo ngại về sản xuất ô tô chậm lại trong bối cảnh thiếu chip và linh kiện. Tập đoàn ô tô Toyota cho biết sẽ kéo dài thời gian dừng hoạt động tại một số nhà máy ở Nhật Bản do thiếu linh kiện từ các nhà máy ở Đông Nam Á, nơi sản xuất bị gián đoạn bởi phong tỏa do Covid-19. Tuy nhiên, thời gian tới, giá cao su có khả năng sẽ đảo chiều tăng lên và khởi sắc trở lại do nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu chắc chắn phục hồi.

Trong 10 ngày giữa tháng 12/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước giảm theo xu hướng của thị trường thế giới, hiện giá mủ cao su tiểu điền được các doanh nghiệp thu mua dao động quanh mức 280-320 đồng/độ mủ. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 285-323 đồng/độ mủ, giảm 7 đồng/độ mủ so với 10 ngày trước đó. Tại Bình Dương giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa thu mua ở mức từ 316-320 đồng/độ mủ. Hiện dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp tại các tỉnh trồng nhiều cây cao su như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Phước, do đó đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất.

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 5.

Cao su khai thác mủ ở Chư Pưk, Gia Lai. Ảnh bạn đọc cung cấp

Nguồn cung cao su toàn cầu vẫn bị thắt chặt phần lớn do các trận mưa lũ bất thường đã ảnh hưởng đến các vùng trồng cao su chính ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Trong đó, Thái Lan và các vùng trồng cao su chính của Malaysia đã trải qua mùa mưa kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Mặt khác, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 6.

Nguồn: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2021, Việt Nam xuất khẩu được 211,27 nghìn tấn cao su, trị giá 357,65 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và tăng 5,4% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 7,9% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 2,84 tỷ USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 40,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Về giá xuất khẩu: Tháng 11/2021, giá cao su xuất khẩu bình quân ở mức 1.693 USD/tấn, tăng 2,1% so với tháng 10/2021 và tăng 10,6% so với tháng 11/2020.

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 7.

Nguồn: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam trong tháng 11/2021, chiếm 75,4% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 159,24 nghìn tấn, trị giá 266,88 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 12,9% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 8,9% về lượng, nhưng tăng 0,3% về trị giá. 

Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức 1.676 USD/ tấn, tăng 0,7% so với tháng 10/2021 và tăng 17,3% so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Tháng 11/2021, mặc dù giá xuất khẩu cao su giảm nhẹ, nhưng lượng cao su xuất khẩu sang một số thị trường tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong đó đáng chú ý như: Ấn Độ tăng 96,5%; Xrilanka tăng 309,6%; Nga tăng 437,2%; Bangladesh tăng 276,1%; Canada tăng 67,8%…

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 8.

Nguồn: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản, trong đó có cao su sang Trung Quốc khó khăn do ùn ứ cửa khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm hướng đẩy mạnh bán cao su sang nhiều thị trường khác, đặc biệt là Ấn Độ. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 10 tháng năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 969,34 nghìn tấn cao su (mã HS 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 1,93 tỷ USD, tăng 38,1% về lượng và tăng 72,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ. Đáng chú ý, nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 82,59 nghìn tấn, trị giá 157,15 triệu USD, tăng 53,5% về lượng và tăng 101,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 8,5% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, tăng so với mức 7,7% của cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 9.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ

Trong 10 tháng năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 404,81 nghìn tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 741,07 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 68,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ với 81,19 nghìn tấn, trị giá 154,1 triệu USD, tăng 52,5% về lượng và tăng 99,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong 10 tháng năm 2021 chiếm 20,1%, tăng so với mức 17,4% của cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 10 tháng năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Indonesia, Singapore trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Việt Nam, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Thái Lan lại tăng.

Giá cao su sẽ không thể giảm mãi vì điều này - Ảnh 10.

Cao su khai thác mủ ở Chư Pưk, Gia Lai. Ảnh bạn đọc cung cấp

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 8,9% so với năm 2020, lên 14,116 triệu tấn (tăng so với mức 14,1 triệu tấn dự báo tháng trước). Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021. Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới đạt 13,787 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2020 (giảm so với mức 13,86 triệu tấn dự báo tháng trước). Qua số liệu cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng là 329 nghìn tấn. Cùng với việc thế giới thiếu hụt 329.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021, giá dầu tăng mạnh trở lại như hiện nay sẽ kéo theo giá cao su khởi sắc, dự báo giá cao su sẽ tăng trở lại đến hết quý I/2022.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho rằng, giá cao su đang chịu áp lực bởi các yếu tố khác ngoài yếu tố cung cầu. Trong đó, tâm lý thị trường đang chịu tác động nhiều hơn. Trong ngắn hạn giá cao su vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh giảm chủ yếu gây ra bởi tâm lý thị trường. Trong khi đó, yếu tố cung cầu hiện cho thấy là đang hỗ trợ tích cực cho giá cao su.

Trong bối cảnh này, cho dù chịu nhiều áp lực nhưng một kịch bản giá cao su thiết lập xu hướng giảm sâu về mức thấp trước đây ít có khả năng. Ngoại trừ việc đồng USD mạnh lên và cước tàu vận chuyển tăng cao đang là yếu tố tác động rõ rệt, các yếu tố còn lại vẫn đang chỉ là quan ngại, đặc biệt là thông tin tác động từ dịch bệnh toàn cầu. Một khi các thông tin này tích cực hơn, thị trường cao su sẽ phục hồi và khởi sắc trở lại. Thời điểm đó nếu diễn ra sớm, có lẽ sẽ là sau Tết Nguyên đán 2022.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục