Không chỉ thị trường Trung Quốc, điều này cũng gây lo ngại cho giá cao su của Việt Nam tới đây

14/12/2021 15:35 GMT+7
Giá cao su giảm do thị trường lo ngại biến thể Omicron có thể làm chậm lại đà hồi phục kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu cao su giảm, trong khi số liệu thống kê cho thấy sản xuất của Trung Quốc thấp hơn dự kiến...

Giá cao su đảo chiều giảm nhiều hơn tăng tại các sàn ở châu Á

Từ cuối tháng 11/2021, giá cao su đảo chiều giảm mạnh tại các sàn ở châu Á do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về nhu cầu sẽ giảm, bởi biến thể virus Corona Omicron lây lan và các hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 08/12/2021, giá cao su RSS3 kỳ hạn tháng 01/2022 giao dịch ở mức 222,4 Yên/kg (tương đương 1,96 USD/kg), giảm 1,2% so với cuối tháng 11/2021 và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tại sàn giao dịch này, giá cao su hôm nay (ngày 14/12/2021), lúc 9h00, kỳ hạn tháng 4/2022, tiếp tục giảm nhẹ xuống mức 232,7 JPY/kg, giảm nhẹ 0,2 yên, tương đương 0,09%.

Không chỉ thị trường Trung Quốc, điều này gây lo ngại cho giá cao su của Việt Nam tới đây - Ảnh 1.

Nguồn: cf.market-info.jp

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 08/12/2021 giá cao su RSS3 kỳ hạn tháng 01/2022 giao dịch ở mức 14.430 NDT/ tấn (tương đương 2,27 USD/kg), giảm 1,8% so với cuối tháng 11/2021 và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Gia chỉ nhích tăng trở lại hôm nay nhưng chưa có dấu hiệu tăng bền vững. Cụ thể: Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải hôm nay tăng 260 CNY, lên mức 14.515 CNY/tấn, tương đương 1,82%.

Không chỉ thị trường Trung Quốc, điều này gây lo ngại cho giá cao su của Việt Nam tới đây - Ảnh 2.

Nguồn: shfe.com.cn

Tại Thái Lan, ngày 08/12/2021, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 61,1 Baht/kg (tương đương 1,82 USD/ kg), giảm 1,1% so với cuối tháng 11/2021 và giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Không chỉ thị trường Trung Quốc, điều này gây lo ngại cho giá cao su của Việt Nam tới đây - Ảnh 3.

Nguồn: thainr.com

Giá cao su giảm do thị trường lo ngại biến thể Omicron của virus Corona có thể làm chậm lại đà hồi phục kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu cao su giảm, trong khi số liệu thống kê cho thấy sản xuất của Trung Quốc thấp hơn dự kiến. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 10/2021 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020, tháng giảm thứ sáu liên tiếp. 

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 11/2021, Trung Quốc nhập khẩu 661 nghìn tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (kể cả mủ cao su), trị giá 1,18 tỷ USD, tăng 29,1% về lượng và tăng 28,6% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 7% về lượng, nhưng tăng 9,5% về trị giá, đây là tháng thứ 6 liên tiếp lượng nhập khẩu cao su của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm 2020. 

11 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 6,13 triệu tấn cao su, trị giá 10,95 tỷ USD, giảm 9,2% về lượng, nhưng tăng 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc. 

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 10 tháng năm 2021, Thái Lan xuất khẩu được 4,08 triệu tấn cao su (mã HS: 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 213,45 tỷ Baht (tương đương 6,33 tỷ USD), tăng 7,6% về lượng và tăng 37,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 51,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan, đạt 2,08 triệu tấn, trị giá 102,73 tỷ Baht (tương đương với 3,05 tỷ USD), giảm 6,4% về lượng, nhưng tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. (Tỷ giá 1 Baht = 0,02966 USD). Số liệu này cho thấy, thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu lượng cao su thời gian qua khá rõ, không chỉ Việt Nam mà cao su của Thái xuất sang Trung Quốc cũng liên tiếp giảm khá mạnh.

Giá cao su có khả năng xuống sâu?

Trong nước, từ đầu tháng 12/2021 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức từ 305-320 đồng/độ mủ. Tại Đồng Nai, giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức từ 331-333 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức từ 336 đồng/độ mủ. Tại Bình Thuận, giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức từ 328 đồng/độ mủ. Tại Đắk Lắk giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức từ 290 300 đồng/độ mủ. Dự báo trong nửa cuối tháng 12/2021, giá mủ cao su trong nước sẽ dao động quanh mức 290-330 đồng/độ mủ, tức thấp hơn mức giá hiện nay.

Không chỉ thị trường Trung Quốc, điều này gây lo ngại cho giá cao su của Việt Nam tới đây - Ảnh 4.

Công nhân của Công ty cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) khai thác mủ cao su. Ảnh: DV

Rõ ràng, không chỉ yếu tố thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu, mà biến thể Omicron và tâm lý thị trường thế giới đang gây lo ngại cho giá cao su của Việt Nam tới đây.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cao su lại nhận định: Giá cao su trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng ít có khả năng giảm sâu như trước và nhiều khả năng sẽ sớm khởi sắc trở lại.

Theo Ban Thị trường Kinh doanh (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), giá cao su thiên nhiên (CSTN) của cả hai thị trường giao dịch kỳ hạn và thị trường giao ngay trong tuần qua đều ghi nhận giảm so với tuần trước. Nguyên nhân chính được nhận định là từ các tác động của biến thể virus Omicron; tỷ giá đồng USD tăng; giá dầu thô giảm và các tác động từ Báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố vào ngày 10/12.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho rằng, giá cao su đang chịu áp lực bởi các yếu tố khác ngoài yếu tố cung cầu. Trong đó, tâm lý thị trường đang chịu tác động nhiều hơn. Trong ngắn hạn giá cao su vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh giảm chủ yếu gây ra bởi tâm lý thị trường. Trong khi đó, yếu tố cung cầu hiện cho thấy là đang hỗ trợ tích cực cho giá cao su.

Trong bối cảnh này, cho dù chịu nhiều áp lực nhưng một kịch bản giá cao su thiết lập xu hướng giảm sâu về mức thấp trước đây ít có khả năng. Ngoại trừ việc đồng USD mạnh lên và cước tàu vận chuyển tăng cao đang là yếu tố tác động rõ rệt, các yếu tố còn lại vẫn đang chỉ là quan ngại, đặc biệt là thông tin tác động từ dịch bệnh toàn cầu. Một khi các thông tin này tích cực hơn, thị trường cao su sẽ phục hồi và khởi sắc trở lại. Thời điểm đó nếu diễn ra sớm, có lẽ sẽ là sau Tết Nguyên đán 2022.

Thực tế, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc có giảm sút nhưng bù lại các thị trường khác đều đem lại triển vọng tăng trưởng cho cao su Việt Nam, như thị trường Mỹ, Hàn Quốc... Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 37,62 nghìn tấn, trị giá 68,87 triệu USD, tăng 57,8% về lượng và tăng 95,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.831 USD/tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Không chỉ thị trường Trung Quốc, điều này gây lo ngại cho giá cao su của Việt Nam tới đây - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Hay cao su của Việt Nam cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh tại thị trường Mỹ về cả giá trị và số lượng với giá xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2021 đã tăng trên 27,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kinh tế Mỹ đang dần hồi phục, nhu cầu cao su được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho tới năm 2023. Dự báo xuất khẩu cao su sang Mỹ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 8,9% so với năm 2020, lên 14,116 triệu tấn (tăng so với mức 14,1 triệu tấn dự báo tháng trước). Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021. Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới đạt 13,787 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2020 (giảm so với mức 13,86 triệu tấn dự báo tháng trước). Qua số liệu cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng là 329 nghìn tấn.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục