Thị trường biến động mạnh, điều gì sẽ xảy ra với giá cao su sau Tết?
Năm 2021, thị trường cao su thế giới gặp khó khăn do thị trường ô tô toàn cầu gặp khủng hoảng chip bán dẫn, nhập khẩu cao su từ Trung Quốc chậm lại bởi chính sách “Zero Covid” của nước này, sự mạnh lên của đồng USD trong thời gian qua… Vì vậy, phần lớn thời gian giá cao su trong năm 2021 đi ngang hoặc giảm, mặc dù cũng có vài đợt tăng, nhưng không kéo dài quá 1 tháng.
Năm 2022, thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, sau khi các ngân hàng trung ương lớn tung ra các gói cứu trợ, giá cao su thế giới có thể sẽ tăng trong quý I/2022 do nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến thiếu hụt bởi nguồn cung cao su Đông Nam Á đang bị thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng mủ tự nhiên.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn do dịch bệnh, các cảng biển hoạt động khó khăn khi tình trạng thiếu container khá trầm trọng. Trong tháng 01/2022, giá cao su tự nhiên tại các sàn giao châu Á có nhiều biến động, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá lên mức cao nhất tháng vào ngày 19/01/2022 (ở mức 238,4 Yên/kg), sau đó giảm trở lại, nhưng vẫn tăng so với cuối năm 2021. Ngày 26/01/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 01/2022 giao dịch ở mức 223,7 Yên/kg (tương đương 1,96 USD/kg), tăng 0,4% so với cuối tháng 12/2021, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 19/01/2022 (ở mức 14.925 NDT/tấn), sau đó giảm mạnh. Ngày 26/01/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 01/2022 ở mức 14.220 NDT/tấn (tương đương 2,25 USD/kg), giảm 2% so với cuối tháng 12/2021, nhưng tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. Các nhà đầu tư tại Thượng Hải đang lo ngại nhu cầu cao su Trung Quốc sẽ chậm lại vì Covid-19 đang bùng phát mạnh tại nước này.
Tại Thái Lan, sau khi tăng lên 61,7 Baht/kg vào ngày 21/01/2022, giá cao su giảm trở lại, nhưng vẫn tăng so với cuối năm 2021. Ngày 26/01/2022, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 61 Baht/kg (tương đương 1,85 USD/kg), tăng 61% so với cuối tháng 12/2021 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su tại Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần do giá tại Thượng Hải giảm và cổ phiếu toàn cầu giảm trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Nga và các nước phương Tây. Trong khi đó, lo ngại về sản lượng ô tô giảm bởi đại dịch lây lan mạnh cũng gây áp lực thị trường. Số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ cho thấy, doanh số bán ô tô tiếp tục giảm trong tháng 12/2021, với doanh số bán xe du lịch giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2020 và doanh số xe hai bánh giảm gần 11%.
Năm 2021 là một năm sóng gió với ngành cao su Việt Nam. Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến từ hoạt động sản xuất mủ cao su, đến chế biến gỗ cao su, nhưng ngành cao su Việt Nam đã nỗ lực khắc phục và tiếp tục tiến đến mục tiêu phát triển bền vững đề ra trong năm 2022.
Năm 2022, Việt Nam có khả năng hưởng lợi kép cả về lượng xuất khẩu và trị giá do thế giới vẫn khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su, giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao.
Trong tháng 01/2022, giá cao su trong nước có xu hướng tăng nhẹ, giá mủ cao su tiểu điền được các thương lái thu mua dao động quanh mức 290-350 đồng/độ TSC. Tại Bình Phước giá thu mua mủ nước của Công ty cao su Phú Riềng dao động ở mức 300- 340 đồng/độ TSC. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348 -350 đồng/độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 323 đồng/độ TSC.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su tự nhiên, đồng thời đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu cao su thế giới. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu cao su tăng trưởng cả về lượng và trị giá, trong đó trị giá xuất khẩu đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,95 triệu tấn, trị giá 3,27 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2020. Xuất khẩu cao su trong năm 2021 đã lập một kỷ lục mới về trị giá trong lịch sử ngành cao su Việt Nam.
Cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 88,3% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 1,73 nghìn tấn, trị giá 2,89 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 34,1% về trị giá so với năm 2020.
Cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ… Nhìn chung, năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 1,39 triệu tấn, trị giá 2,28 tỷ USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 24,9% về trị giá so với năm 2020, chiếm 71,4% về lượng và chiếm 69,7% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.
Về chủng loại xuất khẩu: Năm 2021, xuất khẩu phần lớn các chủng loại cao su đều tăng so với năm 2020. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 62,3% tổng trị giá cao su xuất khẩu của cả nước, với trên 1,22 triệu tấn, trị giá 2,04 tỷ USD, tăng 7% về lượng và tăng 30,1% về trị giá so với năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,5% về lượng và chiếm 99,4% về trị giá trong tổng xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của cả nước, với 1,22 triệu tấn, trị giá 2,03 tỷ USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2020. Về giá xuất khẩu: năm 2021, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su đều có xu hướng tăng so với năm 2020.
Dự báo: Trong năm 2022, tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu cao su sẽ tiếp tục có những thuận lợi. Nhu cầu về cao su tự nhiên của thế giới sẽ tiếp tục tăng. Việc mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cao su phục hồi.