Giá đất khu vực gần dự án sân bay Long Thành tăng vọt

Minh Khôi Thứ năm, ngày 05/11/2020 19:00 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và giới đầu tư, dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) được xem là đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản của khu vực.
Bình luận 0

Nhận định về tiềm năng thị trường bất động sản tại huyện Long Thành (Đồng Nai), tại tọa đàm: "Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay" vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đều nhìn nhận, Long Thành có ưu thế nổi bật cùng tiềm năng, sức bật lớn trong mọi mặt từ kinh tế, hạ tầng, đô thị, giao thông kết nối. Long Thành dễ dàng kết nối giao thông với TP.HCM và các đô thị lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đáng chú ý, dự án sân bay Quốc tế Long Thành được xem là đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản của khu vực.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ngay từ khi có chủ trương Quốc hội cho xây dựng sân bay Long Thành thì đất Long Thành (Đồng Nai) đã có sự biến động rất mạnh, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây.

Ghi nhận của Hội Môi giới cho thấy, từ năm 2018 đến 2019 giá đất đã tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2018 giá đất Long Thành đã "nhảy múa" so với trước đó, khi phê duyệt dự án đó lên khoảng 8 – 15 triệu đồng/m2; năm 2019 tăng bình quân dao động từ 15 – 30 triệu đồng/m2.

Trong năm 2020 ảnh hưởng Covid - 19 nhưng chúng tôi ghi nhận vẫn tiếp tục tăng giá so với năm 2019. Cần ghi nhận rằng, giá bất động sản tại khu vực trung tâm Long Thành đang tăng mạnh, giá đất hiện nay có nơi lên đến hàng trăm triệu đồng/m2.

Giá đất khu vực gần dự án sân bay Long Thành tăng vọt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Đính, sự tăng vọt về giá đất Long Thành không phải chỉ đến từ hiện tượng xây dựng sân bay mà còn đến từ sự khan hiếm nguồn hàng.

"Nguồn cung từ TP.HCM gần như không còn mấy trên thị trường, đặc biệt, giá bất động sản tại TP.HCM đang tăng rất mạnh và có sự tăng ảo. Qua đó, các nhà đầu tư sẽ tìm đến các vùng đất mới để tìm kiếm cơ hội, và Long Thành là 1 điểm đến như vậy", ông Đính nói.

Thêm một nguyên nhân mới nữa, việc TP.HCM đề xuất phát triển TP Thủ Đức, nếu ý tưởng này được phê duyệt, thì đây chính là 1 thành phố về tài chính, đào tạo ra lao động chất lượng cao. Tham vọng của đề án là khu vực này sẽ chiếm tỷ trọng, mang đến giá trị GDP rất lớn, mục tiêu hướng đến thì sẽ có hàng triệu lao động chất lượng cao.

"Tại đây sẽ phải ưu tiên phát triển các trung tâm tài chính, sáng tạo, công nghệ. Lao động tại khu vực có thu nhập cao, nhu cầu chất lượng sống cao. Nếu phát triển nơi ở cho nhóm lao động này tại TP.HCM thì sẽ rất khó vì không còn quỹ đất, thì đây chính là cơ hội cho các vùng giao thoa như Bình Dương, Đồng Nai… Do vậy, không chỉ Long Thành mà cả khu vực phía Đông Nam bộ đang có hiện tượng tăng giá", ông Đính nêu.

Giá đất khu vực gần dự án sân bay Long Thành tăng vọt - Ảnh 3.

Ăn theo quy hoạch dự án sân bay Long Thành, giá đất khu vực Long Thành tăng vọt.

Theo ông Vũ Quốc Việt Nam - Giám đốc cao cấp Tập Đoàn Đất Xanh, nhu cầu bất động sản ở TP.HCM là rất lớn, tăng liên tục từ năm 2015 – 2019, từ 2019 đến nay thì cầu rất lớn. Quỹ đất không còn, nguồn cung hiếm do pháp lý chưa hoàn thiện, dẫn đến thiếu nguồn cung, nên người mua để ở, nhà đầu tư bắt đầu lan ra vùng xung quanh.

Theo vị đại diện doanh nghiệp này, từ TP.HCM, nhu cầu dịch chuyển ra tới Bình Dương và Đồng Nai. 2 tỉnh này được là thủ phủ khu công nghiệp và Đồng Nai còn phát triển sớm hơn với Bình Dương. Việc dân số từ các nơi đổ về đây là rất lớn. Nhu cầu dịch chuyển từ TP.HCM ra đây cho thấy xu hướng rất lớn.

Nói về cơ sở hạ tầng ở Đồng Nai có thể thấy sự đầu tư của Chính Phủ và tỉnh là rất lớn, không chỉ ngắn hạn trong 10 năm mà là 30 năm. Ví như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Cao tốc Bến Lức – Long Thành, Đồng Nai và Vũng Tàu cũng đang nghiên cứu làm cao tốc kết nối hai tỉnh này…

Ngoài ra, cụm cảng Cái Mép cũng lớn nhất ở Việt Nam… Có nghĩa là sân bay Long Thành là cái lõi để các tuyến cao tốc kết nối xung quanh. Như vậy, có hai cơ sở hạ tầng lớn hàng đầu ở Long Thành là sân bay và cảng nước sâu cùng với 5 tuyến cao tốc và cầu Cát Lái. Như vậy, đây là khu vực cực kỳ tiềm năng với quy mô đầu tư lớn.

Ở góc độ chuyên gia, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, ở Việt Nam nếu có 1 đô thị nào mới và lớn trong 50 năm nữa thì chỉ có thể là Long Thành. Vì không còn nơi nào còn đất, có vị trí đẹp, có nhiều thuận lợi về hạ tầng, vị trí. Chính Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ về việc phát triển Long Thành với các tiềm năng để có thể phát triển tầm cỡ với khu vực. Đây chính là một thành phố mới của Việt Nam.

Như các chuyên gia cũng đã nói, Long Thành là một thành phố của nhiều tiềm năng song lại đặt ở trong khu vực phát triển nông nghiệp. Nên chăng Chính phủ, Trung ương cần có những quy hoạch dài hạn cho khu vực này. Nếu Tập đoàn Đất Xanh tập trung phát triển vào đây tức là đã có tầm nhìn dài hạn về khu vực này. Song cần có quỹ vốn lớn để sẵn sàng phát triển dài hạn vì có thể sẽ phải tự quy hoạch đầu tư hạ tầng, mở thêm các đường, trường, trạm.

Cũng theo ông Nghĩa, có ý kiến cho rằng, TP.HCM tương lai có thể phải di chuyển 1/3 dân cư và có nghĩa là về lâu dài, cơ cấu lại dân số tại TP.HCM sẽ không còn nơi nào khác có thể di chuyển tới ngoài Long Thành. Nơi đây sẽ trở thành nơi liên tỉnh, liên vùng gắn chặt với TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem