Giá dầu phục hồi sau thông tin Nga - Saudi Arabia "tiến rất gần" tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng

06/04/2020 15:58 GMT+7
Giá dầu đã phục hồi trở lại từ các khoản lỗ trong phiên giao dịch sớm sau khi CEO quỹ đầu tư RDIF (Nga) tiết lộ với CNBC rằng, Moscow và Riyadh đang tiến rất gần tới một thỏa thuận bình ổn thị trường dầu mỏ.
Giá dầu phục hồi sau thông tin Nga - Saudi Arabia "tiến rất gần" tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng - Ảnh 1.

Moscow và Riyadh đang "tiến rất gần" tới một thỏa thuận bình ổn thị trường dầu mỏ

Trò chuyện với CNBC, CEO quỹ đầu tư RDIF, ông Kir Dmitrievr nhận định: “Tôi nghĩ rằng thị trường đánh giá thỏa thuận (giữa Nga và Saudi Arabia) là rất quan trọng đối với sự ổn định thị trường, và họ đã tiến rất gần tới thỏa thuận như vậy”.

Sau thông tin này, giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế quay đầu tăng 0,12% lên 34,15 USD / thùng. Hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ giảm lỗ nhưng vẫn nằm trong vùng tiêu cực, giảm 0,56% xuống còn 28,18 USD / thùng.

Trước đó, hợp đồng tương lai dầu WTI giảm khoảng 9% sau khi cuộc họp khẩn cấp giữa OPEC và các đồng minh diễn ra hôm 6/4 bị hoãn lại, làm dấy lên lo ngại thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu không khả thi. 

Giá dầu đã tăng mạnh trong hai phiên giao dịch cuối tuần trước khi Tổng thống Trump ra mặt, khiến Saudi Arabia xúc tiến cuộc họp khẩn cấp giữa OPEC và các đồng minh trong nỗ lực cứu vớt giá dầu lao dốc không phanh. Trước đó, cuộc họp khẩn cấp của OPEC+ hồi tháng 3 đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào sau khi Nga từ chối kiến nghị cắt giảm 1,5 triệu thùng dầu/ ngày mà Saudi Arabia đề xuất. Saudi Arabia sau đó tuyên bố tăng sản lượng dầu lên 12,3 triệu thùng/ ngày và giảm giá dầu từ tháng 4 trong một động thái thổi bùng cuộc chiến giá cả với Nga. 

Cùng với đại dịch Covid-19 tấn công nhu cầu dầu toàn cầu, cuộc chiến giá cả gây sức ép lên giá dầu từ phía nguồn cung, khiến giá dầu giảm sâu 40% trong tháng 3. Giá dầu WTI của Mỹ có thời điểm thủng ngưỡng 20 USD/ thùng, buộc Tổng thống Trump phải điện đàm với Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Putin để thúc đẩy thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Tổng thống Trump hôm 3/4 tuyên bố Nga và Saudi Arabia có thể công bố thỏa thuận cắt giảm tới 10-15 triệu thùng dầu/ ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu. 

Nhưng căng thẳng giữa Nga và Saudi Arabia leo thang hôm 4/4 đã khiến các nhà đầu tư ngờ vực triển vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu sâu như vậy. Nga đã đổ lỗi các hành động giảm giá dầu của Saudi Arabia là nguyên nhân đẩy giá dầu lao dốc không phanh, trong khi phía Saudi Arabia phủ nhận điều này. 

Ngoài ra, cả Nga và Saudi Arabia đã tìm kiếm sự hợp tác của Mỹ trong việc cắt giảm sản lượng để cân bằng nguồn cung dầu thế giới. Hôm 5/4,  Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia cho biết liên minh OPEC+ cần sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất bên ngoài OPEC+ gồm Mỹ, Canada và Na Uy để tạo nên một hành động toàn cầu giúp bình ổn thị trường dầu. Nhưng cho đến nay, không có động thái nào từ Mỹ tỏ ra sẽ cắt giảm sản lượng như OPEC+ mong đợi. Các công ty dầu khí của Mỹ hiện vẫn sản xuất gần mức sản lượng kỷ lục. Tổng thống Trump thậm chí cảnh báo Mỹ có thể áp dụng công cụ thuế quan tăng cường với dầu thô nhập khẩu trong nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất dầu khí nước này. 

Trong cuộc gặp gỡ các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ hồi cuối tuần trước, Tổng thống Trump đề cao quy luật thị trường tự do, gợi ý các nhà sản xuất tự điều tiết sản lượng dựa trên giá cả thị trường chứ không yêu cầu một thỏa thuận cắt giảm nào. Ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ do đó đang bị chia rẽ trong việc liệu có cắt giảm sản lượng trong nỗ lực ổn định giá dầu chung của toàn cầu hay không. 

Tổ chức dầu khí Mỹ phản đối việc cắt giảm sản lượng, cho rằng động thái như vậy sẽ gây hại cho ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ. Tuy nhiên, tại Texas, Ryan Sitton - một trong 3 ủy viên Ủy ban đường sắt Texas, cơ quan phụ trách ngành công nghiệp dầu khí của Texas - cho rằng tiểu bang này có thể xem xét tham gia một thỏa thuận như vậy. Ông cũng tiết lộ đã trò chuyện với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak về việc cắt giảm sản lượng. 

Rõ ràng, vẫn còn nhiều bất ổn xoay quanh một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Và giá dầu có nguy cơ tiếp tục biến động mạnh trong tuần này, tuần quyết định có hay không một thỏa thuận giữa OPEC+.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục