Giá dầu có thể tăng sau cuộc họp sắp tới của OPEC+

01/07/2021 15:32 GMT+7
OPEC sắp có cuộc họp với Nga và các đồng minh để thảo luận về kế hoạch sản lượng dầu trong bối cảnh giá dầu đang tăng kỷ lục.

OPEC+ dự kiến sẽ xem xét mức tăng sản lượng 500.000 - 1 triệu thùng/ ngày từ mức cắt giảm sản lượng trước đây, thời điểm đại dịch Covid-19 làm giá dầu giảm mạnh. Một số nhà phân tích dự báo có thể OPEC+ sẽ không tăng sản lượng dầu quá nhiều, bởi một báo cáo nội bộ của tổ chức này chỉ ra thị trường có thể rơi vào tình trạng dư thừa dầu nếu OPEC và các đồng minh đảo ngược việc cắt giảm sản lượng dầu 6 triệu thùng/ ngày trong lộ trình từ nay đến tháng 4/2022.

Báo cáo được tiết lộ bởi Reuters đã khiến giá dầu thế giới nhích lên trong phiên giao dịch đêm qua. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế giao dịch ở mức hơn 75 USD/ thùng trong khi hợp đồng dầu WTI ngọt nhẹ kỳ hạn tháng 8 giao dịch dưới mức 74 USD/ thùng, quanh ngưỡng cao nhất kể từ mùa thu năm 2018.

Nhà phân tích hàng hóa John Kilduff của Capital Economics nhận định: “Đây là cuộc họp quan trọng nhất với OPEC+ trong hơn một năm qua. Năm ngoái, họ đã nhận thấy một tình huống gây sức ép nặng nề lên giá dầu, và họ đã thống nhất với nhau (cắt giảm sản lượng dầu). Giờ đây (khi giá dầu tăng vọt), kế hoạch là nới lỏng mức cắt giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng dầu mỗi tháng. Tôi nghĩ họ sẽ bám sát lộ trình này, khi giá dầu tiếp tục tăng và tăng”.

Giá dầu có thể tăng sau cuộc họp sắp tới của OPEC+ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman Al-Saud (Ảnh: Reuters)

Người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC, bà Helima Croft thì cho rằng: “Đối với tôi, chuyện thú vị nhất ở thời điểm này là nếu OPEC+ vượt qua các đợt cắt giảm sản lượng dầu hiện tại thì giá dầu sẽ biến động ra sao. Thị trường hiện đang dự báo mức tăng sản lượng 500.000 thùng/ ngày. Nếu OPEC+ tăng sản lượng cao hơn dự kiến, giá dầu có thể sẽ giảm nhẹ”.

Hồi năm 2020, OPEC+ đã đồng thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục tới 9,7 triệu thùng/ ngày để bình ổn thị trường dầu toàn cầu vốn đã chạm đáy khi nhu cầu giảm kỷ lục do đại dịch. Thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 1/5/2020 và kéo dài đến nay với mức cắt giảm được điều chỉnh qua từng cuộc họp cụ thể để phù hợp với bối cảnh thị trường dầu.

OPEC+ hy vọng sẽ hỗ trợ giá dầu bằng cách đẩy thị trường vào giai đoạn thiếu hụt nguồn cung, sử dụng một cơ cấu giá gọi là “backwardation” (bù hoãn bán là tình trạng thị trường khi giá của một hợp đồng tương lai thấp hơn giá giao ngay được dự kiến khi hợp đồng đáo hạn, gợi ý về sự thiếu hụt nguồn cung trong thị trường giao ngay) để giảm dần lượng thùng dầu tích trữ trong suốt mùa đại dịch.

Cuối năm ngoái, OPEC+ đã thống nhất giảm mức cắt giảm sản lượng xuốn còn 7,7 triệu thùng/ ngày và sau đó là 7,2 triệu thùng/ ngày từ tháng 1/2021 do triển vọng lạc quan về nhu cầu năng lượng, bất chấp làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo bùng phát tại nhiều quốc gia. Đến tháng 7, mức cắt giảm sản lượng được dự báo sẽ giảm xuống 5,8 triệu thùng/ ngày.

Hồi đầu tuần này, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cũng cho biết OPEC dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng 6 triệu thùng/ ngày trong năm nay. Nhưng các nhà phân tích dự báo OPEC+ sẽ cố gắng duy trì giá dầu không tăng quá cao, hướng tới một sự cân bằng giữa cung và cầu. Nếu OPEC+ đưa quá ít dầu ra thị trường khiến giá tăng vọt, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ có động lực khoan nhiều dầu hơn. Còn trong trường hợp họ đưa quá nhiều dầu ra thị trường để duy trì giá thấp hơn, Mỹ có thể đạt thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, từ đó cho phép Iran đưa thêm 1,5 triệu thùng dầu/ ngày hoặc thậm chí cao hơn ra thị trường.

Thêm vào đó, giá cả tăng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ở các thị trường mới nổi. Ở một quốc gia như Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu thô chính của các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông, 75 USD / thùng dầu đã là một mức giá cao.


NTTD
Cùng chuyên mục