Giá gạo Việt giảm, giao dịch chậm trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán
Giá lúa gạo không biến động lớn, nhiều kho nghỉ Tết, thị trường chậm
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng trong tuần này lên mức cao nhất trong gần hai năm nhờ đồng baht mạnh và nhu cầu ổn định.
Các thương nhân cho biết giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ 480 USD/tấn trong tuần trước lên 495 USD/tấn ngày 12/1, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021 nhờ đồng baht mạnh lên và nhu cầu trong nước nhiều hơn.
Mức giá gạo của Thái Lan nêu trên hiện là mức cao nhất trong 3-4 năm qua vì đồng baht mạnh và nhu cầu từ Indonesia. Nhiều nhà giao dịch này dự báo giá gạo Thái có thể lên tới 500 USD/tấn.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn, giảm so với mức 458 USD/tấn trong tuần trước.
Giao dịch gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chậm lại do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang tới gần. Các nhà xuất khẩu đang tập trung giao các hợp đồng đã ký, trong khi nguồn cung trong nước thấp sau khi xuất khẩu nhiều trong năm 2022.
Các nhà giao dịch cho biết vụ thu hoạch Đông-Xuân, vụ mùa lớn nhất trong năm, sẽ bắt đầu vào tháng 2/2023 và cao điểm từ giữa tháng 3/2023.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, được chào bán ở mức 375-382 USD/tấn, không đổi so với tuần trước.
Giá gạo trắng tại Ấn Độ đã tăng lên 398-405 USD/tấn so với mức 394-400 USD/tấn trong tuần trước đó nhờ nhu cầu tốt.
Các khách hàng đang ưu tiên gạo Ấn Độ hơn bất chấp thuế xuất khẩu. Nguồn cung gạo của Ấn Độ khá nhiều và giá rẻ hơn ít nhất 50 USD/tấn so với các nước khác.
Giá lúa gạo hôm nay 15/1 tại Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động lớn. Hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.800 – 6.900 đồng/kg; OM 5451 6.700 – 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 6.900 – 7.100 đồng/kg; nàng hoa 9 6.900 – 7.200 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 – 8.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.200 – 9.300 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.000 – 10.100 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm cũng có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm ở mức 9.300 đồng/kg; cám khô ở mức 8.100 – 8.200 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay nguồn gạo về ít, giá gạo neo ở mức cao. Thị trường gạo nội địa trầm lắng, nhiều kho nghỉ Tết sớm. Gạo thành phẩm OM 5451 giá cao, nguồn ít, nhiều nhà máy không còn hàng bán.
Trong tuần qua, giá lúa gạo trong nước khá ổn định và neo ở mức cao. Hiện nay các doanh nghiệp làm gạo xuất khẩu đã đóng cửa nghỉ Tết. Trong khi diện tích thu hoạch lúa Đông Xuân sớm rất ít, chỉ ở một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu và khu vực Mỹ An - Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp, vì là lúa Đông Xuân sớm nên năng suất thấp so với năm qua.
Nhu cầu từ các thị trường truyền thống và thị trường mới với gạo Việt vẫn tốt mặc dù nguồn cung đang cạn kiệt. Người mua từ Trung Quốc và Philippines vẫn quan tâm đến gạo Việt Nam ngay cả khi Pakistan chào giá gạo rẻ hơn.
Hiện các địa phương đang tích cực xuống giống vụ Đông Xuân. Vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch xuống giống gần 1,6 triệu ha. Hiện nay, nước lũ mùa nước nổi đang xuống rất nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tập trung gieo sạ theo đúng lịch khuyến cáo.
Trong báo cáo tháng 12/2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo thế giới năm 2022/23 giảm 0,4 triệu tấn so với báo cáo trước đó, xuống 503,3 triệu tấn (quy xay xát), thấp hơn 2% so với mức kỷ lục của năm trước và là năm giảm so với năm liền trước lần đầu tiên kể từ niên vụ 2015/16. Đó sẽ là năm sản lượng gạo toàn cầu thấp nhất kể từ 2019/20.
So với báo cáo tháng trước, các con số trong báo cáo tháng này được điều chỉnh giảm đối với sản lượng ở Australia Brazil, Liên minh châu Âu, Panama và Hàn Quốc. Austrlia trồng và xuất khẩu gần như độc quyền loại gạo hạt vừa và hạt ngắn, còn Liên minh Châu Âu sản xuất và xuất khẩu chủ yếu là gạo hạt ngắn và trung bình. Do đó, hai lần điều chỉnh sản xuất này càng thắt chặt thêm tình trạng nguồn cung vốn đã rất hạn chế đối với loại gạo này, do sản lượng của California ở mức thấp nhất kể từ năm 1977/78 và Ai Cập không còn xuất khẩu một lượng gạo đáng kể nào nữa.
Những điều chỉnh về sản lượng như trên và ước tính lượng hàng tồn kho toàn cầu giảm dẫn đến dự báo tổng nguồn cung toàn cầu niên vụ 2022/23 giảm 1,2 triệu tấn xuống còn 685,6 triệu tấn, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2019/20. Đây là lần đầu tiên nguồn cung gạo toàn cầu giảm kể từ vụ 2004/05.
Trên cơ sở hàng năm, Ấn Độ - quốc gia sản xuất gạo lớn thứ hai trên thế giới - chiếm phần lớn sự sụt giảm sản lượng toàn cầu dự kiến, với sản lượng dự kiến sẽ giảm 6,3 triệu tấn xuống còn 124,0 triệu tấn. Nhà sản xuất số một toàn cầu - Trung Quốc - dự kiến sẽ sản xuất 147,0 triệu tấn gạo, giảm 2,0 triệu tấn so với kỷ lục niên vụ 2021/22. Sản lượng niên vụ 2022/23 của Pakistan dự kiến giảm 2,5 triệu tấn và của Mỹ dự kiến giảm gần 0,9 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng gạo dự kiến sẽ giảm ít nhất 100.000 tấn trong năm 2022/23 ở Australia, Bangladesh, Brazil, Liên minh châu Âu, Ghana, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nepal, Nigeria, Philippines, Sri Lanka và Tanzania.
Ngược lại, sản lượng năm 2022/23 dự kiến sẽ tăng ít nhất 100.000 tấn so với một năm trước đó ở Myanmar, Campuchia, Ai Cập, Indonesia, Iran, Mali, Thái Lan và Việt Nam. Vụ mùa của Ai Cập được dự đoán sẽ đạt mức tăng lớn nhất, tăng 0,7 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn dựa trên diện tích thu hoạch lớn hơn và năng suất dự kiến cao hơn. Campuchia dự kiến sẽ thu hoạch một vụ mùa kỷ lục vào năm 2022/23.
Báo cáo tháng 12/2022 của USDA dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2022/23 giảm gần 0,9 triệu tấn so với báo cáo tháng liền trước, xuống còn 516,9 triệu, giảm 3,9 triệu tấn so với kỷ lục của năm trước. Brazil, Ấn Độ và Thái Lan chiếm phần lớn mức điều chỉnh giảm. Dự báo tiêu thụ nội địa của Ấn Độ giảm 0,5 triệu tấn xuống 108,5 triệu tấn, thấp hơn 2,8 triệu tấn so với một năm trước nhưng vẫn là mức cao thứ hai được ghi nhận. Ngược lại, dự báo tiêu thụ nội địa năm 2022/23 ở Canada, Cuba và Somalia được điều chỉnh tăng.