"Anh em" ngành gạo báo lãi lớn, vì đâu Lộc Trời (LTG) lại lỗ nặng trong quý II/2022?

11/08/2022 16:45 GMT+7
Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành gạo báo lãi quý II tăng vọt, như Trung An (TAR) lãi tăng 41%, Thực phẩm An Giang (AFX) lãi tăng gấp 6 lần cùng kỳ, Vinaseed (NSC) tăng 32% thì Lộc Trời (LTG) báo lỗ tới 46,3 tỷ đồng.

Gạo Trung An (TAR), Thực phẩm An Giang (AFX) tăng trưởng mạnh

Trong quý II/2022, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ghi nhận tăng trưởng tốt. Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, NSC) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 567 tỷ đồng, tăng 7%. Lợi nhuận sau thuế đạt 85,7 tỷ đồng, tăng 32% so với quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 894 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế đạt 136,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 25% lên 123,2 tỷ đồng.

Năm 2022, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 2.150 tỷ đồng và lãi trước thuế 300 tỷ đồng. Sau 6 tháng, Vinaseed thực hiện gần 42% chỉ tiêu doanh thu và gần 46% kế hoạch lợi nhuận năm.

Vì đâu "anh em" cùng ngành báo lãi lớn, Lộc Trời (LTG) báo lỗ nặng trong quý II/2022? - Ảnh 1.

"Anh em" ngành gạo báo lãi lớn

Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu 765 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn giảm mạnh hơn 6,6% nên lợi nhuận gộp tăng 31% lên 89 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 8,6% lên 11,6%. Kết thúc quý II/2022, TAR báo lãi gần 24 tỷ đồng, tăng hơn 41% so cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu 1.723 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận sau thuế 50,6 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.

Theo giải trình của Công ty, sự tăng trưởng này chủ yếu do trong kỳ chi phí nguyên vật liệu sản xuất có giá thành tốt mang lại lợi nhuận gộp cao hơn so với cùng kỳ.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) cũng đã nhất quý II/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt so với cùng kỳ.

Theo đó, doanh thu thuần về cung cấp hàng hóa dịch vụ của công ty trong quý II/2022 đạt 406 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng bán tăng 58%, tuy nhiên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty thu về 7,6 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Quý II/2022, Thực phẩm An Giang báo lãi 17,3 tỷ đồng, tăng gần gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ccông ty cho hay nguyên nhân lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tăng do tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bắt đầu đà khôi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021.

Đồng thời, công ty đã cơ cấu các khoản đầu tư tài chính, giá tăng thu nhập từ hoạt động này và thanh lý các tài sản không cần dùng, mang lại hiệu quả kinh doanh cho Công ty.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 625 tỷ đồng doanh thu thuần về cung cấp hàng hóa dịch vụ, thu về 18 tỷ đồng tiền lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 79% và 350% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí tăng vọt, Lộc Trời (LTG) báo lỗ

Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) ghi nhận các chi phí tăng mạnh khiến lợi nhuận đi lùi. Cụ thể, trong quý II/2022, doanh thu thuần Lộc Trời đạt 3.547 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng đến 33,7% lên 3.176 tỷ đồng dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 372 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính đạt 7,8 tỷ đồng, giảm 45%, trong khi đó chi phí tài chính lại tăng hơn gấp đôi lên 116 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 31% lên mức 239 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17% lên mức 88 tỷ đồng.

Kết thúc kỳ, Lộc Trời lỗ 46,3 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 lãi sau thuế 47,3 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.893 tỷ đồng, tăng 15% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 137,7 tỷ đồng, giảm 40,4% so với nửa đầu năm ngoái.

Năm 2022, Lộc Trời đặt mục tiêu sau thuế đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện được 34,5% kế hoạch.

Nhu cầu thị trường gạo trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt

Trong 6 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt 3,520 triệu tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 thu về khoảng 1,72 tỷ USD.

Gạo là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận định rằng, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt. 

Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp. Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.

Theo nhóm chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán DNSE dự đoán, nửa cuối của năm 2022, ngành công nghiệp thực phẩm có đặc thù là ngành nhu yếu phẩm nên sẽ an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao. Trong giai đoạn lạm phát cao như 2 quý cuối năm thì điều kiện thuận lợi là chi phí đầu vào thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì vậy biên lợi nhuận sẽ được cải thiện.



Ong Lý
Cùng chuyên mục