Giá heo hơi hôm nay 4/8: Nhập khẩu thịt lợn tăng 2 lần so với cùng kỳ

04/08/2020 06:49 GMT+7
Giá heo hơi hôm nay 4/8 ghi nhận phiên tăng giảm trái chiều ở ba miền, mức điều chỉnh từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) 7 tháng đầu năm, nước ta nhập khẩu 93.248 tấn thịt lợn các loại, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Giá heo hơi hôm nay 4/8: Tăng giảm trái chiều

Tại miền Bắc: Giá heo hơi tại khu vực phía Bắc dao động  trong khoảng từ 87.000 - 91.000 đồng/kg. 

Tại Nam Định và Thái Bình giá heo hơi còn 90.000 đồng/kg, sau khi giảm 1.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá tại Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nam. 

Ngược lại, tại Tuyên Quang giá heo hơi tăng thêm 1.000 đồng/kg lên mức 89.000 đồng/kg. Vĩnh Phúc cũng bứt tốc với 90.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. 

Giá heo hơi hôm nay 4/8: Nhập khẩu thịt lợn tăng 2 lần so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Giá heo hơi hôm nay ghi nhận phiên tăng giảm trái chiều ở cả 3 miền.

Các địa phương khác như Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình giá heo hơi dao động từ 88.000 - 89.000 đồng/kg.

Tương tự như miền Bắc, giá heo hơi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng ghi nhận phiên tăng giảm trái chiều. 

Cụ thể, tại Quảng Bình, Quảng Nam giá heo hơi dao động từ 83.000 - 85.000 đồng/kg sau khi giảm 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, Thanh Hóa tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên 87.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá ngang bằng với Lâm Đồng, Ninh Thuận và Hà Tĩnh.  

Như vậy, giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên hôm nay dao động từ 81.000 - 88.000 đồng/kg.

Giá heo hơi khu vực phía Nam tăng giảm trái chiều trong ngày hôm nay. Một số tỉnh, thành điều chỉnh từ 1.000 - 2.000 đồng/kg heo hơi.

Cụ thể, cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá tại Cần Thơ là 85.000 đồng/kg trong khi Bạc Liêu là 86.000 đồng/kg.

Trong khi đó, Vũng Tàu tăng 2.000 đồng/kg lên 88.000 đồng/kg, Trà Vinh cũng điều chỉnh nhẹ 1.000 đồng/kg lên ngưỡng 87.000 đồng/kg, ngang bằng với loạt tỉnh Bình Phước, TP HCM, Bình Dương và Kiên Giang.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam được giao dịch trong khoảng 85.000 - 89.000 đồng/kg.

Nhập khẩu thịt lợn tăng 2 lần

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) 7 tháng đầu năm, nước ta  nhập khẩu 93.248 tấn thịt lợn các loại, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Các sản phẩm thịt lợn được nhập chủ yếu từ từ Canada, Đức, Brazil, Mỹ.

Đối với lợn giống, có 27 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng 292.590 con. Từ đầu năm đến hết ngày 1/8, đã có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 16.537 con lợn giống các loại, chủ yếu từ Mỹ, Canada, Thái Lan và Đài Loan.

Đối với lợn thịt, từ 12/6 đến 1/8, đã có 36 lượt doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký kiểm dịch nhập khẩu hơn 4,7 triệu con lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam. Trong đó, có 15 doanh nghiệp nhập khẩu 75.334 con lợn thịt vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.

Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, có hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.

Giá heo hơi hôm nay 4/8: Nhập khẩu thịt lợn tăng 2 lần so với cùng kỳ - Ảnh 3.

Các sản phẩm thịt lợn được nhập chủ yếu từ từ Canada, Đức, Brazil, Mỹ.

Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y cho biết từ đầu năm đến hết ngày 2/8, cả nước phát sinh 914 ổ dịch tại 235 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 39.000 con, tổng trọng lượng gần 2.000 tấn.

Hiện nay, cả nước còn 178 xã thuộc 60 huyện của 17 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 6.633 con (trung bình mỗi xã có 37 con lợn bệnh phải tiêu hủy).

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT cho rằng Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục tiếp tục thành lập đoàn công tác kỹ thuật đến các địa phương để đôn đốc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các tỉnh, thành phồ trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ NN&PTNT; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Đối với các địa phương có dịch tái phát, thành lập ngay các đoàn công tác do lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở làm trưởng đoàn. Đồng thời, cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ dịch tả lợn châu Phi để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tái phát, lây lan diện rộng.

An Vũ
Cùng chuyên mục