Giá nhà ở TP.HCM tăng liên tục, người trẻ khó kiếm được nơi an cư
Giá nhà tăng liên tục trong 5 năm
Nghiên cứu mới đây của các doanh nghiệp bất động sản cho thấy, giá đất liên tục bị đầu cơ “thổi giá”, thủ tục các dự án bất động sản kéo dài, tốn 3-5 năm mới hoàn tất thủ tục, cũng là yếu tố khiến giá nhà tăng mạnh do phải gánh thêm chi phí lãi suất cao.
Cụ thể, theo báo cáo thị trường quý 3/2019 của DKRA Vietnam cho thấy, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với cơ cấu đạt 96,2 triệu người, trong đó đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 2.600 USD/năm, riêng ở TP.HCM khoảng 6.400 USD/năm, trung bình từ khoảng 9 -10 triệu đồng/tháng đến dưới 20 triệu đồng/tháng.
Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, trong 10 năm qua, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, đạt mức 23%. Trung bình mỗi năm tại TP.HCM có khoảng 50.000 cặp đôi kết hôn. Nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết.
Theo định hướng của Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở bình quân phấn đấu đạt mức 22m2/người. Hiện tại, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở TP.HCM năm 2019 mới chỉ ở mức 19,4m2/người. Dân số TP.HCM gia tăng bình quân 1 triệu người trong vòng 5 năm.
Mặc dù nhu cầu về nhà ở gia tăng song nghịch lý đang xảy ra, chỉ trong vòng 5 năm, giá nhà cũng đã tăng 50 - 60%, từ khoảng 16 triệu đồng/m2 lên 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ hạng C ngày càng sụt giảm, cá biệt trong quý 2/2019 không có nguồn cung mới. Loại hình nhà ở xã hội tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu to lớn của người dân.
Trong khi đó, giá nhà đất tại TP.HCM gia tăng liên tục, chưa kể trải qua những đợt nóng sốt khiến giá đất tăng mạnh ở một số khu vực. Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, trong khi những dự án bất động sản mới, có mức giá trên dưới 1.5 tỷ đồng/căn ngày càng khan hiếm.
Vào sinh sống và lập nghiệp tại TP.HCM đã 11 năm, thế nhưng vợ chồng anh Hoàng Anh Tuấn cùng với con nhỏ hiện vẫn đang ở trọ tại một căn phòng chật hẹp ở quận 2.
Với tổng thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 20 triệu đồng/tháng, anh Tuấn thừa nhận chưa biết khi nào mới mua được nhà ở TP.HCM.
"Tôi chỉ mới ra làm riêng gần hai năm nay nên thu nhập tăng so với khi còn đi làm công. Tiết kiệm mấy năm được 200 triệu đồng, nhưng giá nhà quá cao và mỗi năm lại tăng thêm nên chưa biết đến khi nào mới mua được nhà" - anh Tuấn chia sẻ
Mỗi năm TP.HCM tiếp nhận hàng trăm ngàn người nhập cư từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, đa số trong số đó là những người trẻ trong độ tuổi lao động. Nhu cầu về một ngôi nhà đầu tiên là rất cao nhưng với giá nhà đất tăng chóng mặt thời gian qua, giấc mơ sở hữu nhà của những người trẻ càng trở nên xa vời.
Muốn mua nhà, phải có chiến lược
Theo ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Vietnam, căn hộ dưới 1 tỷ đồng đã là chuyện quá khứ. Một căn hộ 55m2 hiện có giá thấp nhất lên tới 1,4 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn nhiều. "Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, khi những dự án bất động sản mới có mức giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn ngày càng khan hiếm" - ông Lâm nói.
Còn theo các chuyên gia tài chính, một người trẻ với thu nhập 15 triệu đồng/tháng nếu mua nhà 1,5 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 50% (tương đương 750 triệu), sau khi trừ hết gốc và lãi trả góp mua nhà, chỉ còn lại 3,8 triệu đồng/tháng, không sống nổi ở TP.HCM. Chưa kể không phải người trẻ nào cũng có được khoản tiết kiệm ban đầu kha khá để tính đến chuyện mua nhà.
"Nếu đã có một khoản tiết kiệm kha khá và tính đến chuyện mua nhà, trước hết phải chọn căn hộ phù hợp với nhu cầu thực tế và năng lực trả nợ. Chấp nhận đi xa, mua từ căn hộ nhỏ ở phân khúc trung bình rồi sau đó chuyển lên căn hộ cao cấp hơn, ở gần trung tâm hơn, chứ đừng mua vì ham nhà to đẹp ngay mà đổ nợ" – Tổng giám đốc DKRA Vietnam khuyến cáo.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nhu cầu nhà ở của TP giai đoạn 2016-2020 là 40 triệu m2 sàn và giai đoạn 2021-2025 là 45 triệu m2 sàn. Tính đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP.HCM đạt 19,9 m2/người, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo về vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.
DKRA Vietnam cho rằng, để giải quyết bài toán này, từ Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ban ngành, doanh nghiệp, chủ đầu tư đến khách hàng đều phải chung tay thực hiện.Theo đó, những người trẻ muốn mua nhà cần phải cân nhắc điều kiện tài chính của bản thân, chuẩn bị sẵn sàng một nguồn lực tài chính và xác định rõ nhu cầu sở hữu nhà ở cũng như thu nhập đảm bảo việc chi trả nhà trong dài hạn, cũng như chi phí sinh hoạt cuộc sống sau khi cấn trừ khoản tiền góp nhà hàng tháng.
Khi quyết định sở hữu nhà ở, người trẻ cũng phải xem xét và lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế, năng lực tài chính, chủ đầu tư uy tín, chính sách thanh toán.
DKRA Vietnam cũng cho rằng, phía Chính phủ, Nhà nước, cần có những chính sách nhà ở mang tính quốc gia và chương trình hỗ trợ tài chính lâu dài dành cho đối tượng người mua nhà lần đầu. Bên cạnh đó cần cải tiến quy trình, thủ tục giấy tờ để thuận tiện hơn người dân có nhu cầu, đồng thời có những cơ chế phù hợp và thuận lợi cho chủ đầu tư khi tham gia phát triển loại hình nhà ở xã hội.
Ngoài ra, phía cơ quan chức năng phải xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phối hợp với các doanh nghiệp chủ đầu tư trong những dự án lớn, đô thị lớn phải có tỷ lệ nhất định dành cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở lần đầu.