Giá nông sản hôm nay 1/9: Thị trường tiêu trầm lắng, đại lý ngừng gom hàng; cà phê có xu hướng đi lên
Giá nông sản hôm nay: Cà phê có chiều hướng tăng nhẹ
Giá cà phê hôm nay 1/9 trong khoảng 39.200 - 40.200 đồng/kg. Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.100 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.000 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm có chiều hướng tăng nhẹ so với cùng thời điểm hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tăng giảm trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 9/2021 được ghi nhận tại mức 2.023 USD/tấn sau khi tăng 0,55% (tương đương 11 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 9/2021 tại New York đạt mức 193,45 US cent/pound, giảm 2% (tương đương 3,95 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h (giờ Việt Nam).
Trong tháng 7, giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Nguyên nhân là do đợt băng giá nghiêm trọng ở Brazil gây ảnh hưởng tới các trang trại cà phê, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.
Đà tăng giá này cũng được thúc đẩy bởi triển vọng tươi sáng hơn về nhu cầu khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 tại các thị trường tiêu thụ chính đang được dỡ bỏ.
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng, cho phép các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, cũng là một yếu tố tác động tích cực đến thị trường cà phê.
Cũng trong tháng 7, chỉ số giá cà phê toàn cầu được theo dõi bởi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đạt trung bình 152,2 US cent/pound, tăng 8% so với tháng 6 và tăng tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây đã là tháng tăng giá thứ 9 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ sau mức giá 162,2 US cent/pound ghi nhận được vào tháng 11/2014. Trước đó, vào tháng 6, hầu hết nhóm cà phê được theo dõi bởi ICO đều ghi nhận đà tăng giá và chạm mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Trong đó, chỉ số giá cà phê arabica Colombia đạt 206,53 US cent/pound, tăng 3,8% so với tháng trước đó và tăng 40,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, đây là mức giá trung bình hàng tháng cao nhất của cà phê arabica Colombia kể từ tháng 10/2014.
Giá tiêu hôm nay: Đại lý ngừng gom hàng
Giá tiêu hôm nay 31/8 trong khoảng 74.000 - 78.000 đồng/kg. Ngày cuối cùng của tháng 8/2021, giá tiêu đang trong đợt suy giảm vì dịch Covid-19. Theo ghi nhận, giao dịch trên thị trường rất ít.
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định, giao dịch ở mức từ 74.500 - 78.000 đồng/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 74.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (75.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (76.000 đồng/kg); Bình Phước (77.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.000 đồng/kg.
Kết thúc ngày cuối cùng của tháng 8/2021, giá tiêu đang trong đợt suy giảm vì dịch Covid-19. Theo ghi nhận, giao dịch trên thị trường rất ít, các đại lý không thu gom tiêu nữa, bởi các công ty xuất khẩu cũng không thấy đặt hàng. Trong khi đó, tại các đơn vị xuất khẩu, hàng ùn ứ trong kho và cảng vẫn còn. Chỉ thị 16 khiến các nhà máy không thể vận hành đúng công suất, thậm chí còn bị tạm dừng khiến ách tắc sản xuất.
Theo nhận định của giới quan sát, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 1-2 tháng tới tiếp tục có nhiều hạn chế do dịch Covid-19. Tuy vậy, đà tăng của giá tiêu là bền vững, do nguồn cung toàn cầu thiếu hụt, một số quốc gia mở cửa trở lại sau khi tỷ lệ tiêm vaccine cộng đồng đạt ngưỡng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại Indonesia sản lượng dự kiến sẽ giảm trên 20% so với vụ mùa năm 2020. Tại Brazil, sản lượng hạt tiêu cũng giảm mạnh trong năm 2021, do quốc gia này có khả năng phải đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 91 năm qua trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9.
Trong khi đó, dù diện tích trồng tiêu của Việt Nam được mở rộng sau 1 vụ mùa thành công về giá, nhưng dự báo sản lượng vụ 2021 - 2022 có thể không tăng bao nhiêu. Bởi diện tích tiêu già cỗi, năng suất thấp sau bao năm nhà nông bỏ bê vẫn còn nhiều, chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất, trong khi tiêu mới chưa thể thu hoạch trong 1 - 2 mùa tới.