Quảng Nam: Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho nông dân trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò vươn lên thoát nghèo
Vay vốn làm chuồng, trồng cây đúng kỹ thuật
Lâu nay, gia đình ông Trần Văn Trí (xã Quế Trung) trồng keo lá tràm trên diện tích 8ha đất đồi của gia đình. Nhận thấy sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả, năm 2016, ông Trí quyết định cải tạo 1,5ha đất dưới chân đồi để trồng cây ăn quả.
Ông Trí chia sẻ, những khó khăn ban đầu là rất nhiều, trong đó chủ yếu là thiếu vốn. Tuy nhiên, nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn của bản thân và sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện, gia đình ông đã xây dựng vườn cây ăn quả như hiện nay.
Từ nguồn vốn 150 triệu đồng vay từ NHCSXH huyện Nông Sơn, ông Trí mạnh dạn đầu tư trồng 70 cây sầu riêng, 200 cây bưởi trụ Đại Bình, 100 cây cam, 700 cây huỳnh đàn đỏ,… Để có nguồn nước tưới, ông Trí vay thêm 20 triệu đồng làm giếng, bể chứa và đường ống nước tưới tự động.
Đến nay, các loại cây ăn quả gần 3 năm tuổi, rừng keo lai, cao su từ 3 – 5 năm tuổi và phát triển tốt. Lấy ngắn nuôi dài, ông Trí trồng thêm chuối, khóm, mỗi năm thu nhập được khoảng 25 - 35 triệu đồng. "Mỗi tháng, tôi thuê khoảng 4 người làm cỏ, bón phân, chăm sóc cây trong 10 - 20 ngày với mức thu nhập 250 nghìn đồng/người/ngày.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lâm (thôn Xuân Hòa, xã Phước Ninh) được hỗ trợ vay 100 triệu đồng giải quyết việc làm từ đầu năm 2021. Bà Lâm đã sử dụng số vốn này để đầu tư mua 3 con bò 3B, 4 bò nái giống với tổng số tiền 185 triệu đồng.
Theo bà Lâm, để chăn nuôi hiệu quả, gia đình tôi đã nghiên cứu làm chuồng trại đúng khoa học, tận dụng diện tích trồng cỏ, học kỹ thuật ủ chua cỏ để bảo quản và dự trữ thức ăn thô xanh cho bò trong mùa mưa bão sắp đến. Ngoài ra, gia đình tôi cũng vay thêm 50 triệu đồng để khôi phục 5ha keo lá tràm hơn 3 năm tuổi.
"Trước đây, nhà tôi cũng chăn nuôi nhưng nhỏ lẻ, gặp nhiều khó khăn và ít mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ có nguồn vốn vay từ ngân hàng, gia đình tôi làm được mô hình chăn nuôi bò như hiện nay, giải quyết được việc làm cho hai vợ chồng. Cuối năm nay, 3 bò nái sẽ sinh bò con, tôi sẽ mở rộng đàn bò, nuôi thêm bò thịt trong thời gian đến..." – bà Lâm chia sẻ.
Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo
Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, NHCSXH huyện Nông Sơn đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến 6/6 Điểm giao dịch xã trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp với ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tiếp cận nguồn vốn.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nông Sơn, thời gian qua, nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã phát huy tốt hiệu quả, tạo "cú hích" quan trọng, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Đến nay, chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ 24 tỷ đồng cho 420 lao động. Trong 7 tháng đầu năm 2021 đã hỗ trợ 11 tỷ đồng cho 154 lao động đầu tư vào các mô hình sản xuất như cây ăn quả, chăn nuôi, trồng rừng… Nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi này nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá giả.
"Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn giải quyết việc làm, giúp các gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn trong việc duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, để phát huy hơn việc giải quyết việc làm tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người lao động, chúng tôi rất mong cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa để cân đối nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH huyện cho vay giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất" – ông Dũng cho biết thêm.
Cùng với nguồn vốn từ các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn, chương trình tín dụng giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Nông Sơn đã giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo thế mạnh của địa phương. Từ đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp người dân ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững...