Giá nông sản hôm nay (10/1): Kết thúc một tuần cà phê và tiêu theo đà giảm, lợn hơi liên tục tăng
Giá nông sản hôm nay: Giao dịch trầm lắng khiến cà phê theo đà giảm
Kết thúc tuần đầu giao dịch đầu năm mới, giá cà phê trong nước có 1 tuần giảm sâu. Cụ thể, giảm 1.200 đồng/kg ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai; giảm 1.000 đồng/kg tại Kon Tum.
Giá cà phê hôm nay ghi nhận mất mốc 32.000 đồng/kg trong tuần đầu tiên của năm 2021. Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 31.300 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) ở mức 31.800 đồng/kg, huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) cà phê thu mua cùng mức 31.700 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 31.600 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 31.500 đồng/kg ở Đắk R'lấp, Gia Lai ở mức 31.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 31.600 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 31.700 đồng/kg.
Giá cà phê tuần qua liên tục giảm được giải thích là thị trường trong nước trầm lắng do nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung lại tăng từ vụ thu hoạch hiện tại, đẩy giá giảm mạnh theo cùng diễn biến với giá trên sàn London. Do giá đang ở mức thấp nên nông dân chưa muốn bán ra nhiều.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, tồn kho cà phê tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021. Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch COVID-19 và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao, tăng cường nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà.
Giá nông sản hôm nay: Giá tiêu chờ cơ hội "bật" tăng
Sau khi bật trở lại vào tuần trước, giá tiêu tuần qua lại nhanh chóng quay đầu giảm. Giá tiêu hiện giao dịch trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg, giảm 1.500 - 3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên trong năm 2021, giá tiêu giảm 1.500 đồng/kg tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước; giảm đến 2.500 đồng/kg tại Gia Lai.
Giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng trọng điểm giảm đồng loạt 500 - 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu thu mua với mức 52.000, giảm 500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 50.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu thu mua ở mức 51.500, giảm 500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu ở mức 53.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu được thu mua với mức 52.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Trong tháng 12/2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã tổ chức khảo sát trên diện rộng tại các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai. Đây là những vùng trọng điểm có diện tích trồng tiêu chiếm hơn 90% diện tích tiêu cả nước.
Sau khi khảo sát, VPA nhận định, cùng với sự sụt giảm diện tích do thiếu chăm sóc, sản lượng hồ tiêu vùng Đồng Nai có thể giảm 25% và Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 20% trong niên vụ 2020/2021. Hàng tồn kho vẫn còn ở một số nông hộ có điều kiện kinh tế tốt, đại lý và giới đầu cơ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ trầm lắng khi thiếu các yếu tố hỗ trợ. Bên cạnh đó, thời điểm giáp Tết Nguyên Đán cũng là lúc Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nên giá xuất khẩu tiêu nhiều khả năng sẽ giảm xuống.
Giá nông sản hôm nay: Giá lợn hơi liên tục tăng trong tuần
Trong tuần qua, lợn hơi là mặt hàng được điều chỉnh tăng mạnh. Tại miền Bắc điều chỉnh tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện tại, khu vực phía Bắc ghi nhận ngưỡng giao dịch cao nhất cả nước, theo sau là các địa phương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Các địa phương gồm Lào Cai, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội và Tuyên Quang cùng tăng 2.000 đồng/kg lên khoảng từ 80.000 - 82.000 đồng/kg. Tương tự, Bắc Giang, Yên Bái và Ninh Bình hiện thu mua chung mức 80.000 đồng/kg sau khi tăng 3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc ổn định quanh ngưỡng 79.000 đồng/kg trong 7 ngày qua.
Tuần qua, thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên ghi nhận biến động mạnh. Cùng tăng 4.000 đồng/kg, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện thu mua tại mốc 78.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại điều chỉnh tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, ghi nhận khoảng giá từ 76.000 - 80.000 đồng/kg. Trong đó, ngưỡng giao dịch cao nhất là 80.000 đồng/kg tại tỉnh Thanh Hóa.
Tại miền Nam, giá lợn hơi trong tuần qua ghi nhận mức tăng cao, 1.000 - 5.000 đồng/kg. Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Hậu Giang nhích nhẹ 1.000 đồng/kg lên mốc 75.000 đồng/kg. Một loạt địa phương gồm Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang và Sóc Trăng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, ghi nhận khoảng giá từ 76.000 - 78.000 đồng/kg.
Sau khi tăng 5.000 đồng/kg so với cuối tuần trước, tỉnh Đồng Nai hiện thu mua lợn hơi tại ngưỡng cao nhất khu vực là 80.000 đồng/kg. Toàn miền chỉ ghi nhận Kiên Giang giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 74.000 đồng/kg.
Giá nông sản hôm nay: Lúa gạo liên tục giữ ở mức cao trong tuần do cầu tăng
Tuần đầu tiên của năm mới 2021, thị trường lúa gạo ít có biến động, cơ bản giá vẫn neo ở mức cao có lợi cho người nông dân.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến trong tháng 1/2021, một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch khoảng trên 1,2 triệu tấn lúa vụ Đông Xuân sớm.
Tại thị trường nội địa, dự kiến tháng 1/2021 giá gạo tiếp tục giữ vững ở mức cao do nhu cầu mua đều và đặc biệt là nhu cầu từ kho gạo chợ làm hàng Tết.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu cả năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn với giá trị 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng 9,3% về giá trị so với năm 2019. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với khoảng 32% thị phần.
Nhìn lại cả năm 2020, giá lúa, gạo tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long biến động theo chiều hướng tăng, với giá lúa thường tăng khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 1.000 - 1.200 đồng/kg, tùy từng thời điểm và mùa vụ. Giá lúa sụt giảm thấp nhất vào khoảng tháng 2 do nguồn cung thu hoạch vụ Đông Xuân dồi dào và nhu cầu tiêu thụ yếu.