Giá phân bón trong nước tăng trở lại; nhiều nhà máy châu Âu đồng loạt cắt giảm sản lượng

17/09/2022 15:55 GMT+7
Sau một thời gian có chiều hướng giảm, giá nhiều loại phân Urê tại vùng ÐBSCL đã tăng trở lại từ 10.000-50.000 đồng/bao so với cách nay hơn 2 tuần.

Thông tin trên Báo Cần Thơ cho hay, giá Urê Cà Mau, Phú Mỹ, Hà Bắc và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia hiện được nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp bán ra ở mức 780.000-840.000 đồng/bao (50kg). Trong khi đó, giá nhiều loại DAP, Kali và NPK tiếp tục duy trì ở mức cao. Phân bón NPK 20-20-15 Con Cò và NPK 20-20-15 TE Ðầu Trâu bán tại nhiều cửa hàng ở mức 1.100.000-1.240.000 đồng/bao. Còn nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc có giá 1.350.000-1.450.000 đồng/bao.

Kali nhập khẩu từ Nga và Canada có giá bán lẻ tại nhiều nơi ở mức 990.000-1.100.000 đồng/bao. Giá phân bón tăng và duy trì ở mức cao do chi phí sản xuất tăng và giá phân bón thành phẩm, các nguyên liệu nhập khẩu đầu vào ở mức cao.

Trong khi đó, thị trường phân bón nitơ của châu Âu đang làm trầm trọng thêm tình trạng tăng giá ở Bắc Mỹ khi hàng loạt các nhà máy cắt giảm sản lượng vì thiếu hụt nguyên liệu.

Theo phân tích của hãng Argus Media, sản lượng phân đạm của Liên minh châu Âu đang giảm khoảng 400.000 - 500.000 tấn mỗi tháng.

Khởi đầu là việc các nhà máy sản xuất phân bón ở Ba Lan ngừng hoạt động và sau đó đã lan rộng ra toàn khu vực khi các công ty sản xuất phân bón lớn như Achema, Yara và Borealis đồng loạt đóng cửa các nhà máy của họ.

Việc cắt giảm sản lượng phân bón bao gồm phân urê, amoni nitrat, canxi amoni nitrat và urê amoni nitrat (UAN). Hiện các nhà máy sản xuất phân urê trên toàn châu Âu đang hoạt động cầm chứng ở mức một phần tư công suất bình thường.

Dự báo sẽ chỉ có hai trong số tám triệu tấn thuộc năng lực sản xuất của khu vực còn tiếp tục hoạt động.

Theo khảo sát, giá phân bón các loại giao dịch chậm ở hầu hết các khu vực, giá có khăng sẽ tăng trong thời gian tới.

Chuyên gia phân tích Linville cho rằng, tình hình sẽ còn trầm trọng hơn khi ông tin rằng các nhà máy toàn khu vực EU đang hoạt động với 20% năng lực sản xuất của mình.

Giá phân bón trong nước tăng trở lại; nhiều nhà máy châu Âu đồng loạt cắt giảm sản lượng - Ảnh 1.

Theo phân tích của Argus Media, sản lượng phân đạm của Liên minh châu Âu đang giảm khoảng 400.000 đến 500.000 tấn mỗi tháng. Ảnh: yara.com

Liên minh châu Âu (EU) chiếm 5% sản lượng phân urê toàn cầu, 8,3% sản lượng phân khan và 21% sản lượng phân UAN. Điều này có nghĩa là EU sẽ là một đối thủ cạnh tranh gay gắt đối với nguồn cung có sẵn trên thị trường xuất khẩu, và điều này sẽ được phản ánh qua giá cả.

Giá các loại phân bón đã tăng đáng kể trong mùa hè, khi giá phân urê trung bình một sà lan ở New Orleans đã tăng lên 711 USD/tấn từ mức 470 USD vào giữa tháng 6.

Ông Linville cho rằng, triển vọng thị trường phân bón có thể còn tăng hơn nữa nếu EU tiếp tục cắt giảm.

Theo giới phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu phân đạm của châu Âu là việc Nga đóng cửa đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1. Khí tự nhiên là nguyên liệu thô được sử dụng phổ biến nhất để sản xuất amoniac và urê. Và một khi vấn đề khí đốt trên được khắc phục thì giá phân đạm thế giới sẽ thay đổi theo chiều hướng giảm.

Trong bối cảnh đó, châu Âu sẽ tranh giành nguồn cung cấp các sản phẩm phân bón nitơ từ khắp nơi trên thế giới để có được khối lượng mà họ cần. “Nguồn cung phân bón không co giãn, cho thấy nhu cầu ở các khu vực khác là cần thiết. Hiện lượng dự trữ phân urê chủ yếu đang nằm ở Trung Quốc, quốc gia đã hạn chế xuất khẩu kể từ năm ngoái để tránh lạm phát giá trong nước và chính sách này không có dấu hiệu thay đổi”, theo Argus Media.

Hãng này cho rằng, vấn đề khủng hoảng thiếu phân bón có thể xảy ra trong một thời gian dài và chủ yếu sẽ tập trung ở các thị trường ít xuất khẩu ngũ cốc hoặc được trợ cấp phân bón.


An Vũ
Cùng chuyên mục