Giả quản lý thị trường, dọa 50 DN "sắp kiểm tra, muốn bỏ qua phải có quà"
Theo thông tin do Tổng cục quản lý thị trường cung cấp, ngày 4/11, Công an thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận hồ sơ và đối tượng Mai Văn Thuyết (23 tuổi, ngụ xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) từ Phòng cảnh sát Hình sự, Công an Đắk Lắk để mở rộng điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin ban đầu, vào tháng 7/2020, Công an tỉnh Đắk Lắk nhận được đơn của nhiều hộ kinh doanh tố cáo 1 đối tượng tự xưng tên Lê Văn Hải, công tác tại Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk liên tục gọi điện thoại thông báo: "Sắp có đoàn kiểm tra đến làm việc, nếu muốn giúp đỡ, bỏ qua thì phải có quà".
Vì lo sợ, nhiều doanh nghiệp đã gửi tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Sau đó, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk xác định đối tượng này tên thật là Mai Văn Thuyết (23 tuổi, ngụ xã Nga Giáp). Một tổ công tác của Phòng Cảnh sát Hình sự đã ra tỉnh Thanh Hóa bắt giữ Thuyết.
Tại cơ quan công an, Thuyết khai rằng đã lên mạng tìm kiếm thông tin doanh nghiệp rồi gọi điện giả danh mình là cán bộ Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk để đe dọa, kiếm tiền.
Với thủ đoạn này, từ tháng 7/2020 đến ngày bị bắt giữ, Thuyết đã gọi điện đe dọa trên 50 doanh nghiệp. Trong đó đã có 10 người chuyển vào tài khoản của đối tượng Thuyết với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn làm rõ trước đó, đối tượng Thuyết còn giả danh cán bộ của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, rao bán một số sách về vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn về công tác phòng cháy chữa cháy với giá cao gấp nhiều lần nhằm trục lợi bất chính.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian gần đây đã phát hiện một số cá nhân mạo danh công chức QLTT để thông báo kiểm tra, đòi tiền bồi dưỡng, thậm chí còn có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Việc mạo danh, giả danh nêu trên là những hành vi trái pháp luật. Hành vi này gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất, kinh doanh, gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cơ quan QLTT. Các hành vi trái pháp luật này có dấu hiệu của tội phạm hình sự, cần phải được ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và uy tín của lực lượng QLTT cũng như đảm bảo an ninh trật tự, nếu phát hiện các cá nhân mạo danh, giả danh công chức QLTT để thông báo kiểm tra và đòi tiền bồi dưỡng, đề nghị các cá nhân, tổ chức kịp thời phản ánh ngay qua đường dây nóng của Tổng cục QLTT (1900.888.655), Cục QLTT địa phương hoặc báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi để các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác biết và phòng ngừa các thủ đoạn mạo danh, giả danh, lừa đảo của các đối tượng.
Theo quy định tại khoản 1, điều 20 Pháp lệnh QLTT, Cục QLTT sẽ gửi kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch kiểm tra chuyên đề đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi kiểm tra. Đồng thời niêm yết công khai kế hoạch tại trụ sở cơ quan. Việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ các quy định về hoạt động công vụ của lực lượng QLTT.