Giá vàng hôm nay 28/1: Mất mốc 1.800 USD/ounce, tiếp tục nằm trong vùng tiêu cực

28/01/2022 07:53 GMT+7
Giá vàng hôm nay 28/1 lao dốc mạnh, mất mốc 1.800 USD/ounce và tiếp tục nằm trong vùng tiêu cực, không thể tìm thấy bất kỳ động lực tăng giá nào...

Giá vàng thế giới cập nhật lúc 7 giờ 30 sáng nay (28/1) đứng ở mức 1.796,6-1.797,1 USD/ounce (mua vào - bán ra), giảm 0,3 USD so với giá cùng thời điểm này sáng qua, đứng ở mức 1.796,9-1.797,4 (mua vào - bán ra). So với giá chốt phiên tối qua, giá vàng giảm 1,5 USD, đứng ở mức 1.795,6 USD/ounce do đồng USD mạnh lên và nhà đầu tư tiếp tục bán tháo vàng.

Giá vàng hôm nay 28/1: Mất mốc 1.800 USD/ounce, tiếp tục nằm trong vùng tiêu cực  - Ảnh 1.

Giá vàng hôm nay 28/1: Mất mốc 1.800 USD/ounce, tiếp tục nằm trong vùng tiêu cực  - Ảnh 2.

Giá vàng hôm nay 28/1: Mất mốc 1.800 USD/ounce, tiếp tục nằm trong vùng tiêu cực  - Ảnh 3.

Giá vàng giảm liên tục từ đầu đến cuối phiên giao dịch trước đó, sau cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) củng cố đợt tăng lãi suất vào tháng 3 và sau một số dữ liệu kinh tế lạc quan của Mỹ-cả hai yếu tố đều giúp đẩy chỉ số USDX lên mức cao 1,5 năm nay.

Báo cáo GDP của Mỹ quý IV vừa được công bố cho thấy mức tăng 6,9% so với kỳ vọng tăng 5,5%. Trong quý III năm ngoái, GDP của Mỹ đạt 2,3%. Chỉ số lạm phát được theo dõi chặt chẽ, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), đạt mức nóng 6,5%/năm trong quý IV. Dữ liệu tuyên bố thất nghiệp hàng tuần của Mỹ cũng lạc quan. Những dữ liệu này đã giúp phục hồi chỉ số USD, giúp đẩy thị trường vàng xuống mức thấp.

Như vậy, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt dự báo trong quý IV/2021, đánh dấu mức tăng trưởng tốt nhất trong gần 4 thập kỷ vào năm 2021.

"Sự tăng trưởng của GDP thực tế trong quý IV/2021 chủ yếu phản ánh sự gia tăng trong xuất khẩu, tăng tốc trong đầu tư hàng tồn kho tư nhân và PCE, sự giảm nhẹ trong đầu tư cố định cho khu dân cư và chi tiêu của chính phủ liên bang được bù đắp một phần bởi sự suy giảm trong chi tiêu của chính quyền địa phương và tiểu bang. Trong khi nhập khẩu tăng nhanh", báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ cho hay.

Vàng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2020, vì nó khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index tăng 0,87% lên 97,235.

Lợi suất cao và lãi suất tăng đã làm lu mờ sức hấp dẫn của vàng vì làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ những tài sản không sinh lời. Brian Lan, Giám đốc điều hành tại công ty giao dịch GoldSilver Central, cho biết thông tin Fed sẽ tăng lãi suất đã được xác nhận, khiến lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng. Và đó là lý do vì sao mọi người đang bán vàng.

Giá vàng trong nước: Kết thúc phiên giao dịch 27/1, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau: SJC Hà Nội: 61,95 triệu đồng/lượng - 62,57 triệu đồng/lượng. SJC TP.HCM: 61,95 triệu đồng/lượng - 62,58 triệu đồng/lượng. Doji Hà Nội:  61,80 triệu đồng/lượng -  62,40 triệu đồng/lượng. Doji TP.HCM: 61,75 triệu đồng/lượng -  62,45 triệu đồng/lượng.

Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,0 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 11,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 27/1.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục