dd/mm/yyyy

Giải pháp nào để ngành tôm Việt Nam xuất khẩu 10 tỉ USD

Ngành tôm Việt Nam nắm trong tay nhiều tiềm năng để phát triển, có thể đạt mức kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, sẽ không hẳn là “miếng bánh dễ ăn” cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm khi mà các rào cản kỹ thuật vẫn dày đặc.

Tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu là tôm nguyên con, giá trị không cao. Ảnh minh họa

Lâu nay, ngành tôm Việt Nam luôn trông chờ vào ba thị trường chủ lực là Mỹ, EU và Nhật Bản với hơn 60% kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, khi các thị trường này đang ngày càng siết chặt việc nhập khẩu tôm, ngành tôm Việt Nam mới “để mắt” tới những thị trường tiềm năng mới như Australia, Hàn Quốc. Tuy nhiên, thâm nhập những thị trường này không hề đơn giản.

Thêm nhiều sóng gió cho ngành tôm

Theo nhiều chuyên gia, những “tiềm năng” như trên chưa đủ để ngành tôm Việt Nam bứt phá, đạt kim ngạch 10 tỉ USD trong những năm tới. Hiện tại, hầu hết các nước nhập khẩu tôm Việt Nam đều đã và đang “dựng” thêm hàng rào kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nhập khẩu cũng như bảo vệ sản xuất trong nước.

Mới đây nhất, đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã chuyển thông báo từ Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc lên WTO về quy định mới của Luật Quản lý dịch bệnh thủy sản áp dụng đối với tất cả các quốc gia thành viên của WTO có hoạt động xuất khẩu thủy sản là đối tượng kiểm dịch vào Hàn Quốc. Theo quy định mới, bắt đầu từ ngày 1.4 tới, Hàn Quốc đã bổ sung mặt hàng tôm ướp lạnh, đông lạnh vào danh mục mặt hàng thủy sản phải chỉ định kiểm dịch trước khi xuất khẩu sang nước này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ ba từ trái sang) thăm một cơ sở sản xuất tôm giống tại Bình Thuận.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hàn Quốc được coi là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong tương lai do nhu cầu và sức mua ổn định, giá xuất khẩu khá tốt.

Hay như tại thị trường Australia, đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia đã ra thông báo về việc thực thi khẩn cấp lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á do lo ngại bùng phát bệnh dịch đốm trắng tại Australia. Lệnh cấm trên có hiệu lực từ ngày 9.1 và kéo dài trong vòng 6 tháng. Theo đó, tất cả những lô hàng đến Australia từ ngày 9.1.2017 sẽ được yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy. Các lô hàng hiện đang làm thủ tục nhập khẩu vào Australia sẽ bị kiểm tra 100%.

Lệnh cấm này đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam “không kịp trở tay” khi đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng hoặc đang trên đường xuất khẩu sang Australia. Có doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Australia bị trả hàng về, thiệt hại có thể lên tới vài triệu USD.

Đầu tháng Hai mới đây, dù đã nới lỏng lệnh cấm đối với các sản phẩm tôm khô và thực phẩm bảo quản lâu dài, nhưng lệnh cấm vẫn khiến nhiều doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, cho biết, việc Chính phủ Australia thay đổi đột ngột không cho thời gian thay đổi chuyển tiếp đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Australia gặp rất nhiền khó khăn và thiệt hại rất lớn. Vì hầu hết các lô tôm đã tẩm ướp theo yêu cầu của thị trường Australia thì không tiêu thụ được ở những thị trường khác.

Hơn nữa, thị trường chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản… cũng dự báo sẽ thêm nhiều “sóng gió” trong năm tới. Đặc biệt, với thị trường Mỹ, chiến lược bảo hộ hàng trong nước của Chính phủ mới có thể sẽ khiến diễn biến vụ kiện thuế chống bán phá giá đối với tôm của Việt Nam trở nên tồi tệ hơn.

Cần xem lại “cách tiếp cận”

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, thừa nhận, nếu nhìn thẳng vào thực tế, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với sự bất ổn, giá thành cao, tính cạnh tranh kém. Điều này thể hiện qua việc quy hoạch vùng nuôi, con giống, thức ăn và các khâu kiểm tra, giám sát khác trong quy trình nuôi, chế biến xuất khẩu.

Cụ thể, theo ông Quang, ngành tôm Việt Nam đang sai cách tiếp cận và hướng phát triển. Trong khi nhiều nước, đặc biệt là Ecuado, nuôi tôm theo hướng kháng bệnh, tôm giống khỏe mạnh, nuôi ở mật độ thấp 10 – 30 con/m2 . Ngược lại, Việt Nam nuôi tôm theo hướng sạch bệnh, mật độ nuôi từ 80 – 120 con/m2 nhưng tỷ lệ thành công chỉ dưới 30%.

“Vì thế, nếu không chấn chỉnh tình trạng này, không buộc doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thì mọi nỗ lực để xây dựng nền sản xuất tôm sạch, không kháng sinh khó thành, nếu không muốn nói là đổ sông đổ bể”.
Ông Trần Văn Lĩnh.

Với cách nuôi này, giá thành tôm trong nước luôn ở mức cao, khó cạnh tranh. “Vừa rồi, tôi đi thăm Ecuado, thấy họ nuôi tôm kháng bệnh mà rất “chắc ăn”. Cách nuôi tôm kháng bệnh của Ecuado đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về tôm của tôi trong hơn 30 năm qua”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, chỉ cần nuôi với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha thì với diện tích hiện tại, Việt Nam đã có 1 triệu tấn tôm. Với giá xuất bình quân như hiện nay của Minh Phú là 10 USD/tấn thì Việt Nam sẽ cầm chắc trong tay 10 tỉ USD. Còn nếu đẩy mạnh sản xuất tôm sú thay vì tôm thẻ chân trắng thì giá xuất khẩu bình quân đạt mức 16 – 17 USD/kg, Việt Nam sẽ có khoảng 13 tỉ USD/năm.

“Riêng Minh Phú đã có thể “gánh” 2 tỉ USD/năm, do đó giấc mơ 10 tỉ USD cho ngành tôm là không quá xa vời. Kế hoạch năm 2017, Minh Phú sẽ sản xuất và xuất khẩu 55.300 tấn tôm thành phẩm với kim ngạch 700 triệu USD, tăng 20,56% về lượng và 30,70% về giá trị so với năm 2016. Để đạt được kết quả này, Minh Phú thành lập Công ty cổ phần Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú để tạo ra một chuỗi giá trị tôm rừng đước chất lượng cao”, ông Quang nhấn mạnh.

Còn ông Trần Văn Lĩnh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) từ lâu đã trăn trở chuyện xuất khẩu tôm giá trị thấp. Theo ông Lĩnh, bên cạnh các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Việt Nam đã xuất khẩu một phần rất lớn sang Trung Quốc, chủ yếu là tôm nguyên con. Nếu có gia công cũng chỉ làm cấp đông, phần đóng gói không nhiều. Thậm chí, chỉ một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì mới xuất đi Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp chỉ nhập khẩu tôm của Ấn Độ, gần như quá cảnh tại Việt Nam rồi xuất đi Trung Quốc. Điều này chỉ làm tăng trưởng về số lượng, chứ không mang lại hiệu quả gì cho ngành tôm Việt Nam, không tạo ra giá trị thặng dư nhiều. Cách làm này còn tạo hậu quả rất nghiêm trọng, vì theo ông Lĩnh, Trung Quốc thường mua bất chấp kháng sinh, chất lượng...

Dịch bệnh tôm đến từ… nguồn nước
TS.Phạm Anh Tuấn – Nguyên Phó Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: hầu hết các công trình cấp, thoát nước ở các vùng nuôi tôm trong nước hiện không đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời nguồn nước đạt yêu cầu chất lượng cho nuôi tôm; nước thải, bùn thải từ ao nuôi tôm không được xử lý đúng yêu cầu bảo vệ môi trường. Do đó, đã rất nhiều ao nuôi tôm bị bệnh, dịch bệnh phát sinh từ nguồn nước.
Thuận Hải